Số tiền này sau đó đi đâu? Về túi ai? thiết nghĩ không cần bàn luận thêm. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm tài liệu để thực hiện bài viết này, Người đưa tin đã tiếp cận được với một nguồn tin rất bất ngờ. Theo đó, rất có thể số lượng rượu tưởng chừng được giữ lại để tiêu thụ trong nước này vẫn sẽ được "tuồn" sang Lào, nhưng bằng đường tiểu ngạch.
Khi "đại gia" bị sờ gáy
Ngày 1/10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quý (Phó Cục trưởng cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan này vừa ký quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "buôn lậu" xảy ra tại công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội (công ty Halico) và công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Lân (công ty Hoàng Lân). Đồng thời, ông Quý cũng cho biết thêm, cơ quan ông đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra (bộ Công an) để tiếp tục điều tra làm rõ về các hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "trốn thuế" của hai công ty trên.
Theo đó, chuỗi hoạt động mờ ám trong nhiều năm của Halico bắt đầu bị vỡ lở sau chuyến hàng xuất khẩu ngày 12/9/2012 qua cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) để sang Lào. Theo tờ khai hải quan được Halico mở hôm 10/9/2012, chuyến hàng xuất khẩu sẽ gồm 2000 thùng rượu vodka các loại trị giá gần 54.000 USD, được đóng gọn trong 1 container loại 40 foot (1 foot ~ 30cm), xuất sang cho doanh nghiệp tư nhân Lê Thị Hải có địa chỉ ở đường Noọng bôn mương - Viên Chăn - Lào.
Sau khi thông quan, lô hàng được vận chuyển đến cửa khẩu để làm thủ tục thực xuất sang Lào. Tuy nhiên, do nghi về tính thực tế (1 containter thường chỉ xếp được 1700 thùng rượu vodka - PV), hải quan Cầu Treo đã yêu cầu chủ hàng mở container để kiểm tra thì phát hiện bên trong hoàn toàn rỗng, không hề có rượu hay bất cứ hàng hóa nào khác. Đồng thời, xác minh tại nước bạn Lào, cơ quan hải quan cũng phát hiện không hề tồn tại doanh nghiệp tư nhân nào có tên Lê Thị Hải ở địa chỉ khai báo.
Trụ sở của Halico tại Hà Nội.
Mở rộng điều tra, cơ quan Hải quan còn phát hiện từ năm 2008 đến năm 2012, Halico đã cùng với "sân sau" của mình là công ty Hoàng Lân (trụ sở ở phố Trung Kính - Cầu Giấy - Hà Nội) làm khống tổng cộng 26 bộ hồ sơ hải quan để làm các thủ tục và thực xuất rượu Vodka sang Lào. Tuy nhiên qua điều tra xác minh, cơ quan hải quan phát hiện trong 26 bộ hồ sơ hải quan đã thực hiện thì có đến 7 bộ là hoàn toàn giả mạo, còn 19 bộ đều được bán cho doanh nghiệp "ma" Lê Thị Hải.
Theo nhận định của cơ quan hải quan, đây là một vụ việc nghiêm trọng, mang tính chất điển hình. Chính vì vậy, sau gần 1 năm tích cực điều tra, cơ quan này đã quyết định chuyển hồ sơ sang phía công an để điều tra làm rõ thêm các dấu hiệu hình sự.
Thủ đoạn gian lận thuế
Theo tìm hiểu của PV, trong suốt 4 năm qua, để thực hiện được hành vi xuất khống hàng chục, hàng trăm ngàn thùng rượu sang thị trường Lào, công ty Halico đã có những bước đi hết sức chặt chẽ và khôn ngoan.
Cụ thể, trong vụ việc xảy ra hôm 12/9/2012, Halico, dưới sự cho phép và giám sát của ông giám đốc Hồ Văn Hải đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp Lê Thị Hải về việc mua bán 2.000 thùng rượu vodka. Để mọi việc trở lên hợp pháp, một sinh viên đại học năm thứ 4 đã được dựng lên để làm đại diện hợp pháp cho doanh nghiệp Lê Thị Hải với đầy đủ giấy tờ ủy quyền. Với mức thù lao 300 nghìn đồng, công việc của nữ sinh viên này chỉ đơn giản là đứng nhìn và ký vào chỗ được hướng dẫn gồm: Phiếu xuất kho và sổ của bảo vệ kho.
Sau đó, với những giấy tờ hợp pháp trên, Halico đã đến làm các thủ tục hải quan tại chi cục Hải quan bắc Hà Nội và thuê một công ty làm nhiệm vụ vận chuyển toàn bộ lô hàng sang Lào. Người lái xe cũng được Halico giao luôn nhiệm vụ làm các thủ tục hải quan thực xuất khi lô hàng rỗng được vận chuyển đến cửa khẩu Cầu Treo.
Trong quá trình điều tra, cơ quan hải quan đã xác định rõ tại Lào không có doanh nghiệp nào có tên là Lê Thị Hải, do đó kết luận toàn bộ hợp đồng, chứng từ đã ký kết với doanh nghiệp này là giả mạo. Cả "người đại diện" cho doanh nghiệp Lê Thị Hải và lái xe container đều không phải là người của Halico. Họ cũng không biết Lê Thị Hải là ai và doanh nghiệp này là doanh nghiệp nào.
Điều đáng nói là, nếu thực hiện trót lọt hành vi xuất khống lô rượu vodka trên, công ty Halico sẽ được hoàn thuế 10% VAT và không phải nộp thuế TTĐB 45% với tổng cộng số tiền được hưởng sẽ là 523 triệu đồng. Với toàn bộ những dấu hiệu trên, cơ quan hải quan cho biết đã có đủ cơ sở để khẳng định Halico có hành vi làm giả giấy tờ, trốn thuế và buôn lậu. Theo đó, với mỗi một chai rượu bán ra ở thị trường nội địa, doanh nghiệp sản xuất sẽ phải đóng thuế TTĐB 45% và VAT 10%. Còn nếu xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ không phải đóng số tiền này, trái lại còn được hoàn thuế VAT.
Còn về các thủ đoạn liên quan đến công ty Hoàng Lân, theo tài liệu của cơ quan hải quan, kể từ 2008 đến năm 2011, Halico đã ký kết 4 hợp đồng xuất khẩu rượu với Hoàng Lân với tổng giá trị hợp đồng lên tới gần 25 tỷ đồng. Theo nội dung hợp đồng, Hoàng Lân phải xuất đi Lào toàn bộ số rượu này. Qua đó, Halico cũng sẽ không phải nộp thuế TTĐB vào ngân sách của số rượu trên. Với 4 hợp đồng này, Hoàng Lân đã giao lại cho Halico 26 bộ hồ sơ hải quan. Tất cả đều được lập tại chi cục Hải quan bắc Hà Nội và thực xuất ở cửa khẩu Cầu Treo. Sau đó, Halico đã mang những hồ sơ này đi hoàn thành thủ tục báo cáo thuế hàng năm với cơ quan thuế quận Hai Bà Trưng, ước tính số tiền thuế Halico trốn được là khoảng trên 10 tỷ đồng.
Nghi vấn móc ngoặc với cả "chợ đen"?!
Theo ghi nhận của PV, ngay sau khi thông tin về vụ việc tại Halico và Hoàng Lân bị rò rỉ ra ngoài, ngay lập tức “dân trong nghề” cả nước xôn xao. Câu hỏi được đặt ra là, hàng trăm ngàn thùng rượu tưởng chừng được đã xuất sang Lào này sẽ được phù phép để tiêu thụ tại thị trường nội địa thế nào khi hoàn toàn không có giấy tờ?
Để tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện này, PV đã chủ động tìm đến khu vực đầu mối rượu bia lớn nhất Hà Nội: Khu phố Đào Duy Từ, Nguyễn Siêu... Đây cũng được coi là khu vực “chợ đen” về loại mặt hàng đặc biệt này.
Theo tiết lộ của các đầu nậu nơi đây, vì nhu cầu rượu vodka ở thị trường Lào rất lớn nên hằng ngày, các hộ kinh doanh nơi đây vẫn đều đặn "tuồn" một lượng rượu vodka rất lớn sang thị trường này, giá vận chuyển trọn gói mỗi thùng vodka là từ 40.000 - 60.000 đồng. Các chuyến hàng sẽ khởi hành từ bến xe Nước Ngầm sang thủ đô Viêng Chăn. "Thuế nhập khẩu rượu của Lào là 65%. Chính vì vậy, với mỗi chuyến xe vận chuyển trót lọt qua đường tiểu ngạch là chúng tôi đã thắng lớn", một người kinh doanh rượu cho biết.
Tuy nhiên, với nhiều năm trong nghề, người đàn ông này thừa nhận việc "tẩy" rượu rất dễ dàng. Một là xé lẻ ra bán lại tại thị trường nội địa với giá bình thường, hai là sẽ đẩy cho các đầu mối buôn rượu lậu để xuất sang Lào, ăn chia tiếp phần lãi buôn lậu. Vậy là họ ăn đơn ăn kép...
Ông Hồ Văn Hải - Giám đốc công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội: Mới nghe dư luận xì xào nên cũng không bình luận gì nhiều Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, Halico hiện là công ty sản xuất rượu vodka lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng đang chiếm thị phần lớn nhất của "miếng bánh" béo bở này, khoảng 50%. Theo báo cáo tài chính, doanh thu năm 2012 của Halico là 1.051 tỷ đồng, trong đó ngoài các giảm trừ về thuế, thu nhập thuần của Halico vẫn đạt xấp xỉ 700 tỷ đồng. Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Hồ Văn Hải - Giám đốc công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội cho biết vì chưa nhận được lệnh tống đạt nên ông chưa biết nội dung thế nào, mới nghe dư luận xì xào nên cũng không bình luận gì nhiều. |
Long Nguyễn