Theo thông tin mà PV có được, đoàn Thanh tra chuyên ngành BHXH Việt Nam đã công bố quyết định thanh tra 16 doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm kéo dài.
Các doanh nghiệp nêu trên đều thuộc diện cố tình chây ì, làm ảnh hưởng và gây bức xúc cho người lao động trong thời gian dài. Điển hình như công ty Cổ phần Vietstar (huyện Củ Chi) đã nợ các loại bảo hiểm với số tiền 7,3 tỷ đồng 15 tháng qua nhưng vẫn chưa đóng. Hiện, công ty này đang có trên 400 lao động.
Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu Xây dựng (quận 1) cũng nợ số tiền trên 7,3 tỷ đồng với thời gian trên 10 tháng. Hiện, công ty này có khoảng 360 lao động. Ngoài ra, công ty TNHH MTV Cimigo (quận Bình Thạnh) cũng đang nợ gần 2 tỷ đồng…
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: “Hiện trên địa bàn thành phố đang có gần 12.500 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm 4,2% so với kế hoạch thu năm 2018. Trong số này có gần 2.500 doanh nghiệp nợ trên 6 tháng với số tiền 523 tỷ đồng”.
Cũng theo ông Mến, trong tổng số nợ này có khoảng gần 390 tỷ đồng là khoản nợ không thể đòi. Bởi, gần 1.600 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích…
Chỉ tính riêng số doanh nghiệp có số tiền nợ BHXH trên 300 triệu đồng và thời hạn từ 6 tháng trở lên đã có 827 doanh nghiệp với số nợ trên 1.000 tỷ đồng.
Đứng đầu trong “danh sách đen” nợ BHXH vẫn là công ty Cổ phần Mai Linh miền Nam (quận 1) với số tiền gần 55 tỷ đồng. Ở vị trí thứ hai là công ty TNHH Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Sài Gòn (Saigon Shipyard - quận 2) có số nợ trên 36 tỷ đồng (tháng 11/2017, đơn vị này chỉ nợ gần 19 tỷ đồng). Xếp thứ ba là công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi) đang nợ trên 28 tỷ đồng….
Trong khi đó, tính đến thời điểm này, BHXH TP.HCM mới chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra 1 trường hợp, đó là công ty TNHH Nam Phương (lô B2-9, KCN Tây Bắc Củ Chi, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi). Đây là trường hợp “hi hữu”, vì ông chủ bỏ trốn khỏi trụ sở doanh nghiệp và hàng trăm công nhân đã vây trụ sở công ty cách đây chưa lâu.
Nam Phương có 100% vốn đầu tư nước ngoài, có Giám đốc người Hàn Quốc là Nam Sungho, thành lập vào năm 2010, lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất các sản phẩm may mặc.
Ngoài ra chưa có một trường hợp nào chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, trong khi tại TP.HCM đang có tới hàng ngàn doanh nghiệp đang nợ các loại bảo hiểm nói trên.
“Mục tiêu đến hết năm 2018 là cố gắng phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xuống còn dưới 3,7% so với tổng thu. Để thực hiện được mục tiêu này thì BHXH TP.HCM sẽ phải tập trung rất nhiều giải pháp”, ông Mến nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: "Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN đã được nâng lên, đặc biệt luật cũng đã quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố tình trốn tránh, chây ì trong việc đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn “nhởn nhơ”, có dấu hiệu “kháng thuốc”. Từ đây làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của người lao động".