"Người Đức" cầm trên tay "hộ chiếu" Thái Lan
Sau khi Big C "thay áo mới" kỳ vọng sẽ khiến ông lớn Thái Lan "nở mày nở mặt", người ta quay trở lại thời điểm năm 2016, khi thị trường bán lẻ Việt Nam là cuộc chơi của người Thái với hàng loạt thương hiệu tên tuổi như Metro Cash & Carry Việt Nam, Phú Thái Group, Family Mart, Nguyễn Kim đều làm "hộ chiếu" Thái Lan. Hệ sinh thái bán lẻ này được chia đều cho Central Group và TCC Holdings.
Năm 2004, Metro chính thức bước vào Việt Nam, là nhà đầu tư FDI nên Metro được nhận rất nhiều ưu đãi về thuế, giá thuê đất, mặt bằng tốt để xây dựng siêu thị. Đối với thuế, công ty này được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 50% trong 2 năm kể từ khi có lãi.
Năm 2014, Tập đoàn Metro (Đức) bán lại công ty Metro Cash & Carry cùng chuỗi siêu thị Metro tại Việt Nam cho TCC Holdings của Thái Lan.
Ban đầu, công ty con của TCC là Berli Jucker (BJC) đã đứng ra đàm phán để mua lại. Tuy nhiên do một số cổ đông nhỏ của BJC không đồng ý nên TCC Holdings đã đứng ra trực tiếp thực hiện thương vụ, tư cách pháp nhân đứng ra giao dịch là TCC Land International có trụ sở tại Singapore (công ty con của TCC Holding).
TCC Holdings là một trong những tập đoàn đầu tư hàng đầu Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. TCC Holdings đóng vai trò là cổ đông chính trong nhiều công ty thuộc kiểm soát của tỷ phú Charoen như Berli Jucker, TCC Land, ThaiBev, Fraser&Neave…
Trước khi mua lại Metro Việt Nam, BJC đã mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group – một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng.
Cuối năm 2017, công ty TNHH Vietnam Beverage đã mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco (tương ứng 53,59% vốn) với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm từ cổ đông nhà nước. (Vietnam Beverage được thành lập để đóng vai trò là công ty nội địa trung gian giúp Thai Beverage trong thương vụ thâu tóm Sabeco).
Thông qua công ty con Vietnam Beverage, ThaiBev đã thâu tóm Sabeco với giá trị lên đến 4,8 tỷ USD - thương vụ M&A kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia châu Á. Trước đó, Heineken thâu tóm ABP - công ty sở hữu nhãn bia Tiger vào năm 2012 với giá trị 4 tỷ USD.
Nhưng điều đáng chú ý là khoản tiền mua lại này không phải là tiền vốn tự có, mà được tài trợ từ các ngân hàng Thái Lan và Singapore với thời hạn 2 năm. Báo cáo về cổ phiếu của ThaiBev đã ghi nhận khoản vay 100 tỷ baht và 1,95 tỷ USD. Tổng giá trị khoản vay ước gần 5 tỷ USD.
Metro có thực sự khởi sắc khi thay tên đổi chủ
Nước Đức lại hãnh diện khi có Metro AG - tập đoàn bán buôn, bán lẻ giữ thị phần lớn nhất ở Đức, đứng thứ 2 ở châu Âu và thứ 4 trên toàn cầu.
Năm 1964, cửa hàng đầu tiên được mở ra tại Mülheim (Đức). Sự phát triển của tốc độ doanh thu đã khiến ông chủ lớn của Metro quyết định đưa "đại gia bán buôn" của mình ra khỏi biên giới nước Đức. Năm 1968, cửa hàng đầu tiên có mặt tại Hà Lan. Đến năm 1970, siêu thị Metro lần đầu tiên xuất hiện tại Bỉ, sau khi đã sở hữu tới 13 cửa hàng trong nước.
Năm 1971, Metro bắt đầu hoạt động bán buôn ở Pháp, Áo, Đan Mạch, dưới tên thương hiệu Makro. Tập đoàn này đã mở cửa hàng đầu tiên ở Tây Ban Nha và Italy vào năm 1972, sau đó là ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha.
Metro tiếp tục thâm nhập vào thị trường Đông Âu, mở chuỗi cửa hàng tại Hungary và Ba Lan vào năm 1994. Liên tiếp sau đó, Metro tiếp tục mở thêm các cửa hàng ở nhiều nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha.
Đến năm 2002, Metro bắt đầu tấn công mạnh hơn thị trường châu Á bằng việc mở cửa hàng đầu tiên ở Nhật Bản và Việt Nam, sau khi sở hữu tới 15 siêu thị tại Trung Quốc. Năm 2013, Metro đã khai trương cửa hàng thứ 750 trên thế giới ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Như vậy, tính tới năm 2014, Metro đã hiện diện tại 27 quốc gia châu Âu và châu Á. Hiện tập đoàn hoạt động dựa trên các thương hiệu độc lập trong các phân khúc thị trường tương ứng gồm Metro Cash & Carry chuyên về bán buôn, Media Markt và Satum - chuyên về thiết bị điện tử bán lẻ, Real - hệ thống đại siêu thị và Galeria Kaufhof - cửa hàng bách hóa.
Metro Việt Nam – bao gồm 19 siêu thị và nhiều bất động sản có liên quan đã được bán với giá 655 triệu euro (tương đương 16.000 tỷ đồng).
Sau 1 năm "người Đức" về tay ông chủ mới, Metro không mấy khởi sắc về tình hình kinh doanh. Doanh thu giảm mạnh, công ty cũng tiếp tục hành trình thua lỗ của Metro. Trong năm 2016, MM Mega Market ghi nhận báo lỗ hơn 110 tỷ đồng.
Cuối năm 2016, doanh thu của chuỗi này chỉ đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm trước khi Metro Cash & Carry chuyển giao lại vào năm 2013. Mức doanh thu này chỉ tương đương với doanh thu năm 2010 khi số trung tâm Metro chỉ bằng một nửa năm 2016.
Đến đầu năm 2017, hệ thống này đổi tên thành MM Mega Market và thương hiệu Metro vời màu xanh đặc trưng không còn xuất hiện trên thị trường quen thuộc. Vốn điều lệ của công ty tăng 1.911 tỷ đồng lên 3.620 tỷ đồng với 100% vốn nước ngoài.
Tháng 1/2020, với 17 năm là đối tác cung cấp thực phẩm hàng đầu cho nhóm khách hàng HORECA, MM Mega Market (MM) ra mắt thương hiệu bán lẻ đầu tiên mang tên MM Super Market. Trong thời gian dịch Covid-19, MM Mega Market tăng 40% lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Tín hiệu đáng mừng, sau khi nhận chuyển nhượng chuỗi đại siêu thị Metro, MM Mega Market đã vươn lên vị trí thứ 3 trong top 10 công ty bán lẻ uy tín năm 2020 bên cạnh các tên tuổi bán lẻ lâu năm khác trên thị trường.
Nguyên Anh