Với tư cách người đứng đầu chính phủ, ông Lý sẽ quản lý hàng loạt vấn đề quốc nội và kinh tế, dù những quyết định trọng đại thật sự sẽ phải thông qua Bộ Chính trị, nơi ông là ủy viên thường vụ.
Ông Lý được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11-2012 sau đại hội đảng. Trước đó ngày 14-3, ông Tập Cận Bình đã được bầu làm chủ tịch nước với hơn 99% sự ủng hộ, một phiếu chống, ba người vắng mặt trong số 2.956 đại biểu bỏ phiếu.
Về mặt quy định, thủ tướng Trung Quốc do chủ tịch nước đề cử và được quốc hội thông qua với nhiệm kỳ năm năm. Ông Lý tiếp quản nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh tăng trưởng đang chậm lại và Trung Quốc cần hướng tới tăng hơn tiêu dùng trong nước thay vì tập trung mở rộng kinh tế bằng đầu tư và xuất khẩu như trước đến nay.
Người tiền nhiệm của ông Lý là ông Ôn Gia Bảo, được ca ngợi đã giúp Trung Quốc vượt qua khủng hoảng tài chính và bắt đầu những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế. Ông Lý sẽ đứng đầu Quốc vụ viện, tức nội các Trung Quốc sẽ được nêu tên trong ngày mai 16-3, trong đó có các ủy viên quốc vụ viện, những người đứng đầu 25 bộ và các ủy ban ngang bộ.
“Quốc vụ viện có trách nhiệm thực hiện những đường lối và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, trang web chính thức của Chính phủ Trung Quốc giải thích.
Ông Lý là con trai một quan chức đảng ở tỉnh nghèo miền đông An Huy. Thời trẻ ông từng phải đi lao động ở vùng nông thôn trong giai đoạn rối ren Cách mạng văn hóa 1966-1976. Ông từng làm lãnh đạo ở các tỉnh Hà Nam, Liêu Ninh và nói tiếng Anh thành thạo.
Theo Tuổi trẻ