Ngọc Đại có một cá tính mạnh mẽ đến quyết liệt, khảng khái, bộc trực đến lạnh lùng. Từng là một ông bầu đình đám của Việt Nam những năm 70 - 80, Ngọc Đại nắm rõ lý lịch của những gương mặt bầu show nổi tiếng khác. Trò chuyện với Ngọc Đại vào những ngày gameshow Giọng hát Việt đang gây chấn động dư luận, chúng tôi biết thêm nhiều hơn những câu chuyện về ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc công ty Cát Tiên Sa, đơn vị sản xuất The Voice phiên bản Việt.
Nhạc sĩ Ngọc Đại
Những kỷ niệm... “mắng” giám đốc Cát Tiên Sa
Thưa nhạc sĩ Ngọc Đại, những ngày này, showbiz Việt đang xôn xao về gameshow The Voice phiên bản Việt với "nghi án" dàn xếp kết quả, ông có quan tâm đến chuyện này không?
Tôi không quan tâm lắm. Tôi chỉ biết đây là chương trình của ông Minh, Cát Tiên Sa.
Ông biết vị giám đốc của công ty Cát Tiên Sa?
Tôi lạ gì, ngày xưa cậu ta còn mon men đến gặp tôi để xin được học việc.
Chuyện cụ thể như thế nào, ông có thể kể rõ hơn được không?
Khoảng những năm 1991, 1992, một người em thân thiết mà tôi vẫn hay gọi là Bình FPT có đến nhà chơi dẫn theo một người đàn ông mà mới nhìn tôi đã không có cảm tình. Anh ta có vẻ bề ngoài kiểu trơn tru quá mức, trông sở khanh nhưng lại ái ái nên thú thực tôi không có cảm hứng nói chuyện. Bình FPT nói với tôi, em có thằng em, nó vừa ở Bulgaria về và đang rất muốn làm nghệ thuật. Anh có chương trình gì thì cho nó một chân nhé. Tôi nói thẳng, cậu chỉ làm được nghề lái buôn thôi, đừng mơ tưởng đến việc làm nghệ thuật. Cái người tôi chỉ vào mặt đó sau này trở thành giám đốc của công ty Cát Tiên Sa”, nhạc sĩ Ngọc Đại hồi tưởng.
Tại sao lúc đó ông lại có những phản ứng dữ dội thế?
Tôi rất tinh, chỉ cần nhìn là đã biết anh ta không thể làm được nghệ thuật. Và nếu có làm thì cũng chỉ là mấy cái ba lăng nhăng như thời trang, người mẫu và làm theo cách của một con buôn, không thể khác được. Sau này thì đúng là như thế, những chương trình của Cát Tiên Sa chẳng có cái nào xứng đáng được gọi là nghệ thuật. Vì ở đó tiền bạc, lợi nhuận luôn được đặt lên trên cùng thì đào ra đâu nghệ thuật.
Người đó đã phản ứng như thế nào trước câu nhận xét "ấn tượng" của ông?
Im lặng thôi, vì biết tính tôi luôn nói thẳng những gì mình nghĩ. Tôi chẳng sợ làm mất lòng ai cả. Nhưng sau đó khoảng 5 năm, cậu ta có trở lại và nói với tôi một câu như thế này: "Em muốn giúp anh một cái gì đó trong nghệ thuật, vì một cá tính âm nhạc đặc biệt như anh thì không thể để lãng phí. Tôi chỉ thẳng vào mặt anh ta: "Một kẻ đàng điếm, con buôn như cậu mà cũng dám mở miệng nói về nghệ thuật với tôi à. Xin lỗi nhé, tôi không rảnh".
Liệu con người ta có thể thay đổi không?
Trông mặt mà bắt hình dong thôi. Đến bây giờ thì anh ta chẳng khác nào một kẻ môi giới về văn hóa. Những chương trình do anh ta tổ chức có khác gì tạp kỹ phí lù, thập cẩm không khác gì một bà đầm ngu ngốc, dốt nát. Điều đáng buồn là VTV lại đang tiếp tay cho những thể loại chương trình này chỉ vì những quyền lợi béo bở về vật chất.
Theo tác giả Dệt tầm gai, The Voice chỉ là một chương trình nhố nhăng
Chỉ có Duyên dáng Việt Nam là đáng để xem (?)
Những năm gần đây, Việt Nam bùng nổ về các chương trình truyền hình thực tế giải trí, ông đánh giá thế nào về trào lưu này?
Cái này nước ngoài người ta làm lâu rồi, Việt Nam thì mới bắt đầu tập tễnh học theo. Trước đây tôi chỉ thấy có mỗi Duyên dáng Việt Nam là chương trình đáng để xem. Nhưng cũng chỉ là thời gian đầu. Sau này Duyên dáng Việt Nam cũng vì những nhà tài trợ, những nhà quảng cáo mà đánh mất đi tính nghệ thuật. Còn những cuộc thi bây giờ tôi thấy cực kỳ vớ vẩn. Tất cả các giám khảo đều cho mình cái quyền phán xét. Họ làm sao hiểu hết về âm nhạc, chắc gì đã có sự sáng tạo mà dám đánh giá người khác. Dù là có tài đến mấy, nếu anh cứ chăm chăm đi làm mấy cuộc thi kiểu này thì không bao giờ anh có thể tiến bộ và phát triển. Đỗ Bảo cũng có tài nhưng cứ làm mãi mấy cái Sao Mai Điểm Hẹn thì làm sao khá được. Đơn giản vì họ không có thời gian để sáng tạo.
Ông đã từng nghe đến cái tên Phương Uyên chưa?
Phương Uyên là thành viên của ban nhạc Ba con mèo ngày trước. Từ hồi họ còn rất trẻ, khoảng 14, 15 tuổi, tôi đã mời cả nhóm và ông bố của họ đi hát trong chương trình của mình.
Ông nghĩ sao khi cô bé 15 tuổi anh mời đi hát ngày trước bây giờ đang là giám đốc âm nhạc của một gameshow giải trí lớn?
Ở góc độ chuyên môn thì tôi nghĩ là cô ta có khả năng. Còn việc cô ta thao túng hay hợm hĩnh như thế nào đó lại là một việc khác. Nhưng hành động dàn xếp kết quả trong một cuộc thi là phi nhân đạo, phi văn hóa. Cái này nó thuộc về phạm trù đạo đức của một con người.
Ông có đánh giá cao giọng hát và những tác phẩm âm nhạc của Phương Uyên không?
Ngày ấy nhóm Ba con mèo nổi tiếng khắp cả nước vì lúc đó mô hình nhóm nhạc đang được ưa chuộng ở Việt Nam. Nhóm này lại mang phong cách rock, khá lạ và đặc biệt trong thời điểm ấy. Nhưng cách hát và bài hát của họ thì rất bình thường. Chúng được khán giả một thời đón nhận vì đã học tập và ảnh hưởng được đôi chút không khí của nhạc nước ngoài.
Một người như ông chắc chẳng bao giờ nghe nhạc của Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh hay Hồ Ngọc Hà?
Tôi cũng có nghe đấy, nhưng nghe để biết thiên hạ đang như thế nào thôi chứ không nuốt được. Tôi có cảm tưởng họ chẳng khác gì con rối trên sân khấu, bị giật giây rồi nói nhăng, nói cuội. Họ quá dễ dãi trong con đường âm nhạc của mình. Họ cũng có một chút khả năng và không phải là không hát hay. Chúng ta phải biết rằng mỗi ngày trên thế giới có hàng trăm ca sĩ nổi tiếng, nhưng con số lao động và sáng tạo nghệ thuật thực thụ gần như không có hoặc chỉ là nhỏ giọt. Họ chẳng thể sống bền nếu không biết cách làm nghệ thuật một cách nghiêm túc. Riêng với Đàm Vĩnh Hưng, tôi thấy anh này pha tạp đủ các loại, đông tây nam bắc, cổ kim gì đều có hết. Thể loại gì cũng hát nhưng cuối cùng chẳng ai biết là anh ta hát cái gì, có bài nào hay không. Đó là cách hát quá dễ dãi, quá xúc phạm nghệ thuật.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Đào Bích
Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222. |