“Năm Hấp” là biệt danh mà người dân phường Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) đặt cho ông Lý Văn Hấp – người đã bỏ vốn tu sửa mảnh đất hương hỏa rộng 800m2 của gia đình thành khu chợ tạm cho những người bán hàng rong, từ đó làm giảm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn.
Câu chuyện của ông Năm Hấp được chia sẻ khi "chiến dịch" dọn dẹp vỉa hè đã lan rộng ở các địa phương trên khắp đất nước, bài toán sinh kế cho những người dân sống bám vỉa hè vẫn chưa có lời giải thỏa đáng nên càng thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, khu chợ không tên của ông Hấp có từ năm 2009, với chi phí sửa sang (làm nền bê tông, mắc điện, lắp nước...) vào thời điểm đó là 50 triệu đồng. Sau này, để bà con không phải che dù buôn bán, ông lại chi thêm tiền mua thêm tôn, sắt để dựng mái che.
Dễ dàng nhận thấy, hình ảnh ông Năm Hấp đội chiếc mũ phớt trắng, nở nụ cười tươi trước khu chợ hàng rong nhanh chóng thu hút được cảm tình của rất nhiều độc giả. Họ đều dành cho ông những mỹ từ, sự so sánh đẹp đẽ, ấm áp nhất khi chia sẻ các bài báo viết về ông.
Trái lại, vẫn có ý kiến cho rằng việc làm của cụ ông này là một việc tốt “có điều kiện” chỉ vì khoản tiền 30.000 đồng ông thu của tiểu thương mỗi ngày. Ai đó trong số này đã làm phép tính cơ học rồi đưa ra nhận định: Mỗi tháng ông Năm ngồi không cũng thu về 18 triệu đồng (khu chợ tạm có khoảng 20 gian hàng đang hoạt động) vậy nên đây là hoạt động kinh doanh kiếm lời, đôi bên cùng có lợi chứ không phải làm phúc, càng không đáng để chia sẻ như một tấm gương “người tốt – việc tốt”.
Vậy là, những người ích kỷ đã bỏ qua những chi tiết đắt giá nhất trong câu chuyện hiến đất lập chợ, bỏ qua cả lời chia sẻ của ông Năm Hấp về việc duy trì hoạt động của chợ, về nhà kho và những bữa ăn từ thiện có được từ số tiền này. Chưa bàn đến chuyện miễn phí thường đi đôi với sự “tùy ý” – một trong những rào cản đối với các hoạt động thiện nguyện, thu phí là điều kiện bắt buộc nếu muốn khu chợ tạm tồn tại lâu dài, với điện, nước đầy đủ.
Huống hồ, với một mảnh đất 800m2 nằm ngay cạnh khu công nghiệp, ông Năm Hấp mà cho thuê mặt bằng thì kiểu gì cũng được trả cái giá gấp đôi, gấp ba số tiền ông thu từ các tiểu thương hàng tháng.
Nhưng nếu thế thì cuộc sống của những người bán hàng rong và bao miệng ăn đằng sau họ lại chênh vênh nơi hẻm xéo, vỉa hè.
Trương Chi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả