Cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ trở lại nắm quyền, theo kết quả do Ủy ban Bầu cử Trung ương Israel công bố hôm 3/11.
Với 99% số phiếu được kiểm, kết quả cho thấy liên minh cực hữu Chủ nghĩa Phục quốc Tôn giáo (Religious Zionism) ủng hộ ông Netanyahu đã giành được 64 ghế trong quốc hội 120 ghế của Israel (gọi là Knesset). Bản thân Đảng Likud cánh hữu của ông Netanyahu giành được 32 ghế trong tổng số 64 ghế trên.
Trong khi đó, các đảng ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Yair Lapid giành được 51 ghế.
Như vậy, phần thắng chắc chắn nằm trong tay ông Netanyahu. Đồng thời điều này cũng giúp chấm dứt kỷ nguyên bế tắc chính trị chưa từng có của Israel, vốn buộc phải tổ chức 5 cuộc bầu cử trong vòng chưa đầy 4 năm.
Với quan điểm “diều hâu”, ông Netanyahu – vị Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử 74 năm của Israel – trước đây đã giám sát nhiều cuộc tấn công chống lại các nhóm vũ trang của người Palestine ở Dải Gaza. Vài giờ sau khi chiến thắng bầu cử của ông được xác nhận hôm 3/11, các chiến binh trong khu vực bị phong tỏa này đã bắn 4 quả tên lửa về phía Israel, quân đội Israel cho biết.
Một quả tên lửa trong số đó đã bị đánh chặn và 3 quả còn lại đã “nổ tung bên trong Dải Gaza”, quân đội Israel cho biết thêm, xác nhận đây là vụ phóng đầu tiên từ lãnh thổ này kể từ cuộc xung đột kéo dài 3 ngày hồi tháng 8 vừa qua giữa Israel và nhóm vũ trang Hồi giáo Jihad.
Chưa có bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ phóng tên lửa hôm 3/11.
Cũng trong ngày 3/11, ông Lapid đã gọi điện chúc mừng ông Netanyahu đắc cử và nói về việc “chuẩn bị cho một quá trình chuyển giao quyền lực có tổ chức”, một tuyên bố từ Văn phòng của ông Lapid cho biết.
Ông Netanyahu, 73 tuổi, đã quay trở lại nắm quyền sau 14 tháng bị lật đổ. Ông vẫn bị xét xử về các cáo buộc tham nhũng, mà ông đã cực lực phủ nhận. Vụ án sẽ được mở lại vào ngày 7/11 tới.
Quan hệ Israel – Nga – Ukraine
Kết quả cuộc tổng tuyển cử đưa ông Netanyahu trở thành người đứng đầu chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử Israel.
Ông đã nhanh chóng nhận được lời chúc mừng từ các nhà lãnh đạo cực hữu ở châu Âu, gồm Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Thủ tướng Hungary Viktor Orban - đồng minh lâu năm của ông Netanyahu.
Ngoài ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng đã gửi lời chúc mừng tới ông Netanyahu và bày tỏ hy vọng về một “trang mới” trong quan hệ song phương Ukraine - Israel.
Ông Zelenskyy cũng từng tỏ ra thất vọng với việc quốc gia Trung Đông từ chối cấp vũ khí cho Kiev, nhưng không có vẻ ông Netanyahu sẽ đảo ngược chính sách đó, vì Israel cần duy trì quan hệ tốt với Nga.
Trong lần trở lại nắm quyền này, ông Netanyahu sẽ phải đương đầu với một thách thức mới trong chính sách đối ngoại: Làm thế nào để hòa giải mối quan hệ chiến lược của ông với Moscow trong bối cảnh Iran bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.
Quan điểm chính thức của Israel dưới thời Thủ tướng sắp mãn nhiệm Yair Lapid là từ chối các yêu cầu liên tục của Ukraine về vũ khí, chẳng hạn như các hệ thống phòng không tiên tiến như “Vòm Sắt” (Iron Dome). Phản ứng trước thông tin Israel dự định cấp hệ thống thông tin liên lạc và công nghệ chống máy bay không người lái cho Ukraine, ông Netanyahu đã cảnh báo bất kỳ thiết bị nào được cung cấp đều có thể rơi vào tay Iran.
Tuy nhiên, đồng thời, Netanyahu cũng cho biết ông sẽ “xem xét” vấn đề nếu ông thắng cử. Bây giờ, là lúc vị Thủ tướng tại vị lâu nhất Israel phải tìm cách duy trì sự cân bằng tinh tế, có tính đến những lo ngại về khả năng trả đũa từ Moscow và Tehran, đặc biệt là ở nước láng giềng Syria, nơi Israel thường không kích vào các mục tiêu bị nghi ngờ có liên quan đến Iran.
Ông Amos Gilad, một Thiếu Tướng đã nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), người từng là Giám đốc Cục Chính trị-Quân sự của Bộ Quốc phòng Israel, nói với Newsweek rằng “chúng tôi cần thiện chí của Nga” để hoạt động tự do ở Syria.
“Và nếu một ngày nào đó Israel bị tấn công bởi Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm từ Syria, chúng tôi sẽ phải tự mình chiến đấu. Không ai giúp chúng tôi cả”, ông Gilad nói.
“Tôi không nói về mối quan hệ đặc biệt của chúng tôi với Mỹ. Nhưng không giống như Ukraine, sẽ không ai ủng hộ Israel. Chúng tôi chỉ có một mình”, ông giải thích, đồng thời kết luận: “Do đó, chúng tôi cần giữ chính sách chiến lược này để tự bảo vệ mình”.
Minh Đức (Theo Malay Mail, Newsweek)