Trở lại Đà Nẵng trên cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh được dư luận đặc biệt chú ý khi cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Văn Bình chủ trì Hội nghị Triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố trong ngày 20/3.
Giữ khẩu khí "máu lửa" tương tự những lần chủ trì chất vấn tại Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng trước đây, ông Nguyễn Bá Thanh đã dành nhiều thời gian để chỉ ra những khuyết tật trong quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp hiện nay.
Ông Nguyễn Bá Thanh: "Ngân hàng đang lúng túng trong việc cho doanh nghiệp vay vốn". Ảnh: Nguyễn Đông |
Mở đầu bằng câu chuyện lãi suất, vị lãnh đạo này nhận định dù đã giảm nhưng đồng vốn đến tay doanh nghiệp Việt vẫn đắt hơn nhiều so với các nước như Singapore, Philippines hay Trung Quốc… "Lãi suất đã cao rồi, năng suất lao động thấp khiến giá thành lên cao. Cuối cùng sản phẩm của mình không cạnh tranh được thì doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn", ông chỉ rõ.
Theo phân tích của ông Nguyễn Bá Thanh, hiện các ngân hàng huy động từ người dân với lãi suất 8%, nhưng lại không siết chặt chi phí, khiến cho lãi đầu ra "không biết bao nhiêu cho đủ". "Ngân hàng cũng phải nghiên cứu vay vốn giá rẻ từ nước ngoài. Không thể viện lý do cũng là doanh nghiệp, đi vay của dân rồi lại cho doanh nghiệp vay. Như thế không giải quyết được bài toán hiện nay".
Về vấn đề nợ xấu, theo ông Thanh cũng thẳng thắn nhận định nhiều ngân hàng hiện phải đối mặt với những món nợ "không phải xấu mà là rất xấu", khi gần như không có khả năng thu hồi. "Lập công ty để tháo gỡ nợ xấu là một ý tưởng hay nhưng quan trọng là cách làm, nếu không cẩn thận là dễ tiêu cực. Cuối cùng Nhà nước và người dân lại gánh chịu", ông cảnh báo
Nhìn nhận thành tựu đổi mới đất nước những năm qua có công lớn nhờ ngân hàng, nhưng ông cũng cho rằng những bất ổn cũng có không ít căn nguyên từ đây. "Ngân hàng tươi tắn thì mọi thứ đều suôn sẻ hết. Nhưng ngân hàng từ chỗ cho vay tương đối thông thoáng, bây giờ sợ quá, không dám cho vay, đưa ra điều kiện ngặt nghèo. Cuối cùng thì lúng túng không biết được doanh nghiệp nào với doanh nghiệp nào".
Trưởng ban Nội chính kiến nghị ngân hàng cần phải xem xét lại việc thẩm định của chính nhân viên, tránh việc định giá không đúng với tài sản thế chấp, gây thêm nợ xấu.
"Ở các nước có hệ thống ngân hàng hiện đại và văn minh, báo cáo sai là pháp luật trừng phạt ngay. Còn ở mình nói huy động 8% nhưng lại cho thêm mấy phần trăm ở ngoài. Cho vay nói 14 - 15% nhưng cũng chung chi thêm. Trong cuộc chơi, như bóng đá có 11 cầu thủ mà 1 - 2 người bán độ như thế thì đá đấm gì nữa. Cuộc chơi này phải có kỷ luật. Tôi đề nghị Thống đốc phải lập lại kỷ cương, nếu muốn lành mạnh. Cứ làm theo kiểu đó thì làm sao giải quyết được bài toán kinh tế", ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng trong buổi hội nghị, nhiều doanh nghiệp liên tục đặt ra các câu hỏi cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xoay quanh các vấn đề về nguồn vốn cho doanh nghiệp vay, vấn đề nợ xấu, phương án cụ thể của Ngân hàng Nhà nước giúp doanh nghiệp địa phương phát triển... Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình cho hay thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã đảm bảo, nguồn vốn cho vay đã sẵn sàng. Tuy nhiên, khả năng lãi suất tiếp tục giảm mạnh là không nhiều.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời những vấn đề doanh nghiệp đặt ra cho ngân hàng nhà nước. Ảnh: Nguyễn Đông |
Theo phân tích của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc xem xét giảm lãi suất cho vay phụ thuộc vào tình hình kiềm chế lạm phát cũng như việc hạ lãi suất huy động. Khả năng hạ lãi suất của các ngân hàng tối đa chỉ có thể ở xuống thêm 1% chứ không phải 1 - 2% một lần như năm trước. Tuy nhiên, cơ quan này đang đề nghị các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay xuống dưới 13%, đồng thời tích cực gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp.
"Phần lớn các doanh nghiệp đều quá trông chờ vào nguồn vốn của ngân hàng. Nếu doanh nghiệp chỉ đi vay một phần ba trên tổng nguồn vốn thì dù lãi suất lên đến 25% đảm bảo doanh nghiệp vẫn giàu, vẫn có lãi. Thực tế là cùng với việc tích lũy vốn kém, nhiều doanh nghiệp vay đến hai phần ba, thậm chí toàn bộ số vốn thì chỉ có khả năng duy trì được sản xuất nhưng không tạo ra được hiệu quả giá trị gia tăng, kinh doanh chỉ đủ trả lãi ngân hàng", Thống đốc Bình nói.
Đồng quan điểm với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thường xuyên tổ chức gặp gỡ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Thanh nói: "Doanh nghiệp và ngân hàng trong lúc khó khăn cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc tìm cách tháo gỡ. Nhưng phải chú ý là tháo gỡ khó khăn, giảm nợ ra sao, miễn nợ thế nào. Chứ không phải một buổi phổ biến kiến thức về ngân hàng, thế nào là nợ xấu... Như thế không giải quyết được vấn đề".
Theo Nguyễn Đông (VnExpress)