Ông Nguyễn Bá Thanh xuất hiện tại phòng theo dõi phiên tòa ở tầng 1 của Tòa án nhân dân Hà Nội khá lặng lẽ, với vai trò quan sát. Căn phòng này được truyền hình trực tiếp từ phòng xử án tại tầng 2 khu nhà C để dành cho đại diện các cán bộ, ban ngành đến theo dõi diễn biến về phiên xét xử.
Ông Nguyễn Bá Thanh - Ảnh TL
Đã không có PV báo nào tiếp cận được ông Nguyễn Bá Thanh ngoại trừ việc chứng kiến ông rời khỏi tòa Hà Nội vào lúc hơn 10 giờ sáng nay.
Vụ án Dương Chí Dũng được coi là một “đại án” tham nhũng nghiêm trọng phức tạp và được Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương đưa vào diện theo dõi giám sát.
Hồi đầu tháng 8, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát về các vụ án tham nhũng lớn, trong đó có vụ ở Vinalines, khi đó đang trong quá trình điều tra, truy tố.
Dương Chí Dũng bị VKS đề nghị mức án tử hình. (Ảnh. Xuân Hải).
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Vinalines đối với bị cáo Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm, hầu hết các luật đều đưa ra những tình tiết về sự đóng góp của gia đình các bị cáo như bố mẹ, ông bà nội, ngoại từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bản thân các bị cáo đã có nhiều thành tích trong quá trình công tác trước đây để mong HĐXX xem xét giảm tội cho các bị cáo.
Theo dự kiến, cuối giờ chiều nay, TAND TP. Hà Nội sẽ tuyên án đối với 10 bị cáo trong vụ án. Hiện tại tòa đang diễn ra phần tranh tụng giữa các luật sư bào chữa cho 10 bị cáo và cơ quan công tố.
Trước đó, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với 2 bị cáo đầu vụ là Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines và nguyên Tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc.
Bị cáo Mai Văn Phúc bị VKS đề nghị mức án tử hình. (Ảnh. Xuân Hải).
Viện kiểm sát cũng đề nghị mức án từ 6-30 năm tù đối với bị cáo còn lại. Theo cáo buộc, các bị cáo trong vụ án đã cố ý làm trái gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng và tham ô 28 tỷ đồng.