Sau Hải Dương, chuyện “cả nhà làm quan” ở huyện An Dương, Hải Phòng đang trở thành tâm điểm của dư luận. Xung quanh chuyện bổ nhiệm cán bộ có nhiều luồng ý kiến trái chiều.
E ngại thâu tóm quyền lực
Nhận định về tình trạng ở một số địa phương có chuyện bổ nhiệm cán bộ là người nhà, thiếu tiêu chuẩn như công bố mới đây nhất của bộ Nội vụ, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng vụ 1, ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh: “Đó là một sai lầm trong công tác cán bộ!”.
Ông Ngô Văn Sửu cho rằng: “Thực tế, có hiện tượng những người có chức có quyền muốn “vun đắp” lợi ích nhóm nhằm thao túng các việc khác, thâu tóm quyền lực ở địa phương. Đó cũng là biểu hiện của tham nhũng về quyền lực, tạo ra cái nhà tránh để thực hiện tham nhũng về kinh tế, chính sách…
Chuyện bổ nhiệm người thân hay quan lộ “thần tốc” hiện nay, theo tôi, là tệ nạn của công tác cán bộ và bây giờ mới được phanh phui trong khi nó đã diễn ra âm thầm từ lâu. Cần truy trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra sai phạm”.
Ở nhiều nơi, khi sự việc khiến dư luận đặt dấu hỏi thì tại các đơn vị, địa phương đó đều khẳng định “đúng quy trình”. Nhưng theo ông Sửu, “đúng quy trình” cũng chỉ là hình thức bên ngoài, có trường hợp “nợ” tiêu chuẩn, chứng chỉ, trình tự thủ tục… Khi không đủ tiêu chuẩn vẫn cất nhắc lên một vị trí chủ chốt thì sẽ vô cùng nguy hiểm, từ đó dẫn đến việc “ô dù”, lạm quyền.
"Chúng ta đang có tình trạng ngược đời là lo cho cán bộ, sắp xếp cán bộ xong mới sinh ra tổ chức. Nhiều tổ chức lại chồng chéo nhiệm vụ, quyền hạn gây ra sự rối ren trong tổ chức và bây giờ chúng ta phải làm lại từ gốc. Trong khi đó, việc cần làm trước hết phải xây dựng một hệ thống tổ chức hợp lý, khoa học sau đó mới tính đến chuyện chọn cán bộ", ông Sửu nói thêm.
Ai làm quan không quan trọng, miễn là đủ tài!
Bày tỏ quan điểm về hiện tượng “cả nhà làm quan” ở một số địa phương, ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá Thuyền cho rằng: “Ai làm quan không quan trọng mà cái cốt lõi là người ấy có đủ tài hay không. Nếu thật sự những người đó đủ năng lực, tiêu chuẩn thì chúng ta không nên tiêu cực hóa việc “cả nhà làm quan”.
Điều đáng sợ nhất là những cán bộ không đủ đức, tài, vì tiêu cực hay lý do nào đó mà được cất nhắc lên thì vô cùng nguy hại. Thực tế, có chuyện bổ nhiệm để tạo phe cánh, bè phái. Thậm chí, có nơi vì đồng tiền mà “hô biến” người dưng thành con cháu. Và khi có chuyện mất tiền để mua quan bán chức thì họ phải tìm mọi cách để “tận thu” lại”.
Theo ông Thuyền, việc thi tuyển sòng phẳng, công khai, minh bạch sẽ lựa chọn được người thực tài. Xu thế hiện nay, nhiều người lợi dụng chức quyền để đưa con em mình vào cơ quan Nhà nước khi không đủ tiêu chuẩn hoặc dùng mọi thủ đoạn để “giữ ghế”. Chính vì vậy, ở một đơn vị, địa phương khi nhắc đến đội ngũ cán bộ “người nhà” là dư luận lại “dị ứng”.
Vì thế, các cơ quan chức năng cần phải xử lý đến cùng, làm rõ đúng, sai ở đâu về vấn đề bổ nhiệm người thân, cần công khai sai phạm liên quan đến công tác cán bộ. “Theo tôi, khi kiểm tra, phát hiện ra cá nhân nào sai phạm, không đủ tiêu chuẩn cần kiên quyết loại bỏ, thậm chí sa thải và xử lý nghiêm người quyết định bổ nhiệm sai”, ông Thuyền nhấn mạnh.
Hương Lan