Để phục vụ đam mê, ông Kỳ còn mở hẳn “trung tâm huấn luyện gà đá” với các “cố vấn, quân sư” số một đào tạo gà đá chuyên nghiệp.
Bỏ họp, lái máy bay đi đá gà
Dân mê gà đá các tỉnh miền Tây truyền tai nhau về câu chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ là người mê đá gà số một. Cách chơi đá gà của tướng Kỳ thể hiện đẳng cấp của một nhà tài phiệt, chẳng giống một ai. Người ta cho rằng cơ duyên tướng Kỳ đến với đá gà vì ảnh hưởng của những điển tích trong lịch sử.
Tương truyền, từ thời Xuân Thu chiến quốc (thế kỷ thứ V trước Công nguyên) đã xuất hiện hình thức đá gà bên Trung Quốc. Tài liệu “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử ghi lại chuyện ham đá gà của Tuyền Vương nước Tề là một minh chứng cho thú vui ấy. Có lẽ đó chính là những điển tích khiến tướng Kỳ như cuốn mình vào những trận gà đá khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Nhiều tài liệu chứng minh rằng người xưa đã có thú vui đá gà, nhưng chưa hề có tài liệu nào nói về việc đá gà ăn tiền. Đá gà xưa chỉ tổ chức vào những dịp lễ tết và được xem như một thú vui giải trí mấy tháng đầu năm. Chỉ đến thời kỳ Pháp thuộc, người ta bắt đầu thêm phần gay cấn vào những cuộc chọi gà sát phạt. Và việc này phát sinh nhiều hệ lụy khiến bao người tán gia bại sản chỉ vì con gà ghét nhau tiếng gáy. Đến thời của ông Nguyễn Cao Kỳ, ông cũng không ngoại lệ khi sẵn sàng bỏ ra hàng chục cây vàng để săn gà chiến phục vụ cho những trận độ có một không hai.
Anh Hai Hon (ngụ Bến Tre), một người nuôi gà đá bán nhiều năm nay kể: “Ông nội tôi ngày xưa từng huấn luyện gà đá cho tướng Kỳ kể rằng: Để có những “thần kê” bất bại trên sới gà, "tướng râu kẽm" cho lính thủ túc đi tìm khắp mọi nơi chiêu mộ thầy giỏi. Những thầy này đa phần được chiêu mộ làm cố vấn làm việc trong “trung tâm huấn luyện gà đá” của tướng Kỳ. Đổi lại con cái của cố vấn sẽ không phải đi quân dịch”.
“Ông nội tôi kể rằng thời đó người ta tin vào một huyền thoại “thần kê” bách chiến bách thắng nổi tiếng vùng biên giới Campuchia. Trước khi chết “thần kê” này đã để lại hậu duệ vùng Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang… Vào những năm 1930, xuất hiện con Ô Truy là “thần kê” của ông Lâm Minh Sến. Đây cũng là “thần kê” vì trăm trận trăm thắng nhưng cuối cùng chết trên tàu khi trên đường mang đi du đấu. Cuộc đời của Ô Truy chỉ có 3 lần được cho đi duy trì nòi giống, và bất cứ con gà nào có vảy “yểm long” (vảy nhỏ nằm phía trong vảy lớn dưới chân gà) được cho là hậu duệ của Ô Truy. Và những năm tháng chơi đá gà, tướng râu kẽm và cố vấn dày công tìm kiếm loại gà này”, Hai Hon cho biết thêm.
Cũng theo Hai Hon, giai thoại mà anh được nghe từ ông nội về chuyện đá gà của tướng Kỳ có vô số, nhưng một trong số đó là việc tướng Kỳ trốn họp lái máy bay đi đá gà.
Anh Hai Hon kể: “Lúc ấy ông Kỳ đã lên Phó tổng thống (chế độ cũ- PV), ông có máy bay riêng bay từ dinh thự ở gần sân bay Tân Sơn Nhất đến dinh Độc Lập vào mỗi sáng. Có lần, ông Kỳ về Cao Lãnh (Đồng Tháp) bàn việc nhà binh các tướng sĩ muốn lấy lòng tranh nhau kể chuyện gà đá. Họ kể ở Chương Thiện (Hậu Giang ngày nay) có những chiến gà rất lẫm liệt, đấu đài cự phách khiến ông Kỳ nghe không chớp mắt. Chiều hôm ấy, diễn ra cuộc họp quan trọng người ta không thấy ông Kỳ và chiếc máy bay đâu. Tướng sĩ dưới quyền dáo dác tìm kiếm, liên lạc khắp nơi nhưng không biết tung tích. Về sau, người ta mới biết được chiều đó ông Kỳ lén lái máy bay xuống Chương Thiện tận mắt xem gà chiến khu này mãi tối ông mới lái máy bay thẳng về Sài Gòn”.
Dân mê gà cũng kể rằng, ông Kỳ là một tay lái máy bay điêu luyện hiếm gặp. Nhiều lần ông lái máy bay đi chỉ phục vụ mục đích tìm và đá gà. Để tránh bị ra-đa phát hiện, ông phải bay rất thấp, ông vẫn lén đi mỗi khi biết tin có “thần kê”.
Luyện gà hơn luyện binh sĩ
“Nội tôi kể rằng, ông Kỳ sưu tầm cả trăm con gà chiến, được huấn luyện bài bản hơn cả binh sĩ tập trận. Gà được nuôi đúng tiêu chuẩn cho đến khi trưởng thành được đưa vào “trung tâm huấn luyện” như rèn luyện cho vận động viên thể thao để chuẩn bị cho những canh bạc. Các cố vấn về gà cũng là các “sư kê”, người chăm sóc huấn luyện gà chiến. Khi gà chiến được đưa về nhân giống, các con giống được nuôi trong điều kiện đạt chuẩn với thức ăn, đồ uống và khí hậu phù hợp” – anh Hai Hon chia sẻ.
Cũng theo Hai Hon, việc đào tạo những chú gà chiến phải nằm trong bài bản được các vị “sư kê” tỉ mỉ nghiên cứu. Các chú gà được chia thành từng cặp, một chú được nhốt vào một cái bộ tre nhỏ, bên ngoài được úp thêm một cái bội tre lớn hơn đủ để một con gà khác chạy và trở mình. Lúc này, hai con gà tức khí tìm cách vào để tỉ thí với nhau, con bên ngoài sẽ chạy vòng quanh cho đến khi mệt lừ. Sau đó, đổi con bên trong ra vị trí của con bên ngoài để tiếp tục luyện. Việc luyện này giúp gà giảm mỡ, săn chắc đùi trong khi đó lại không tổn hại đến thân thể các con gà.
Hai Hon kể: “Những phương pháp mà nội chỉ tôi ngày xưa bây giờ tôi đã quên nhiều. Khi nội nuôi gà cho ông Kỳ, cứ sau một năm là gà được đưa vào “trung tâm huấn luyện” để chuẩn bị ra đấu. Khi gà chuẩn bị vào huấn luyện được vào nghệ có pha lẫn với các vị thuốc cho phần da đỏ lên, chai sạn, do đó gà rất lỳ đòn. Chân gà cũng được ngâm vào một dung dịch thuốc pha với muối hoặc nước tiểu gọi là “dầm cán” để chân săn chắc. Thực hiện thao tác này vào mỗi sáng và mỗi tối giúp còn gà ra đòn nhanh mà mạnh hơn nhiều”.
Dân mê đá gà cũng kể rằng các “sư kê” của ông Kỳ có phương pháp luyện gà rất đặc biệt. Họ tin rằng sương sớm mai sẽ giúp gà khỏe mạnh hơn. Vào mỗi sớm mai, sau khi gà cất tiếng gáy được đưa ngay ra sân lớn để chúng vùng vẫy cánh, giương cổ gáy vang. Phương pháp này gọi là “quần sương”. Không những thế gà của ông Kỳ còn được rắm rửa, xông hơi hằng ngày bằng khăn ấm, thuốc Nam bí truyền gọi là “om gà”. Khi đủ 18 tháng, gà bắt đầu được xổ trận đầu tiên, đó là cáp với gà đồng chạng (đồng cân) đá thử sức.
Lúc này các “sư kê” gần như nắm chắc con gà nào thuộc gà chiến cần mang đi thi đấu. Cách luyện gà bí truyền của các “sư kê” khiến gà chiến của ông Nguyễn Cao Kỳ mỗi khi “ra trận” đều rất mạnh mẽ, đa số thắng trận. Ông Kỳ vì thế ngày càng mê mẩn xem gà chiến của mình hơn cả binh sĩ.
Bí ẩn chuyện cáp độ Hai Hon kể lại: “Ông nội tôi kể rằng ông Kỳ thường cáp độ gà mất xác, tức là bên nào thua là mất xác gà. Dân đá gà thời đó có được xác gà của ông Kỳ thì như có một nồi thuốc bổ quý hiếm. Ngoài ra những độ tiền thì không ai biết được là bao nhiêu, chỉ biết ông Kỳ có nhiều độ với quan chức cao cấp thời ấy nhưng rất kín kẽ. Có điều đặc biệt, ông Kỳ rất ghét chuyện gian lận trong đá gà, nếu phát hiện được kẻ nào gian lận thì coi như kẻ đó muôn đời không tham gia đá gà được nữa”. |
Hoàng Minh