Trong giai đoạn 1 chống dịch covid-19, Hà Nội có nhiều ổ dịch phức tạp như Trúc Bạch, bệnh viện Bạch Mai và ổ dịch Hạ Lôi. Dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung cùng các cơ quan chức năng với nhiều giải pháp hiệu quả, cộng với sức mạnh đoàn kết, ý chí một lòng, Hà Nội đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phóng, chống dịch covid-19 chủ động, hiệu quả.
“Còn người là còn tất cả”
Chiều 16/3, tại cuộc họp ban Chỉ đạo phòng chống dịch covid-19 của TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các ngành, các cấp phải phấn đấu giữ thành phố an toàn trước dịch bệnh. Ông Chung nhấn mạnh: "Còn con người là còn tất cả. Người Á Đông coi trọng việc người mất được về nhà, trăng trối với con cháu. Đất nước chúng ta đã trải qua 2 cuộc chiến tranh. Chúng ta hãy hình dung những gia đình có con em hi sinh trên chiến trường, đến nay chưa tìm được hài cốt. Vài chục năm sau, những tổn thương này chưa hết. Chúng ta thấy rõ nguy cơ nên phải giữ được, không bị tổn thất về con người là thành quả lớn nhất, còn kinh tế sẽ khắc phục được".
Nếu người dân không tự giác, mọi nỗ lực sẽ đổ xuống sông, xuống biển
Ngày 25/3, trước những lo ngại lây nhiễm dịch từ việc hàng trăm người dân vẫn chen lấn đi lễ phủ Tây Hồ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định: “Nếu người dân không tự giác, nghiêm túc chấp hành các quy định, khuyến cáo thì mọi nỗ lực của Chính phủ, Hà Nội sẽ đổ xuống sông, xuống biển". Ông Chung cho rằng, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và kêu gọi mỗi người dân cần nâng cao ý thức, hạn chế tụ tập đông người, khi bắt buộc phải ra ngoài thì đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác.
Tại cuộc họp ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh covid-19 của TP.Hà Nội tối 25/3, ông Chung chỉ ra 4 nguồn lây nhiễm chính của Hà Nội như nguồn lây nhiễm chéo từ ổ dịch bệnh viện Bạch Mai; nguồn lây nhiễm từ khách du lịch và người Việt Nam trở về nước; nguồn lây nhiễm từ những bệnh nhân đi trong nước nhưng chưa bùng phát; và nguồn lây từ nguồn y tá, bác sĩ tham gia vào quy trình khám, chữa bệnh và tổ chức cách ly mà hiện nay chưa được phát hiện. Đồng thời nêu rõ, việc tụ tập đông người dẫn đến lây lan, rồi tỏa ra các đường lây nhiễm là rất nguy hiểm.
Dịch bệnh covid-19 nằm ngoài tất cả những gì chúng ta đã nghĩ
Ngày 30/3, tại cuộc họp ban chỉ đạo Phòng chống covid-19 của TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cảnh báo, có thể trong thời gian ngắn nữa thôi, dịch sẽ lan ra 30 quận, huyện ở Hà Nội và cho rằng, hoàn toàn có thể khoanh vùng dịch nếu như mỗi cá nhân, gia đình đều có ý thức tự giác. Ông Chung nhấn mạnh: "Dịch bệnh covid-19 nằm ngoài tất cả những gì chúng ta đã nghĩ và đã được học từ trước đến nay. Cho nên chúng ta cần có cái nhìn thực tiễn hơn, quan sát diễn biến dịch bệnh, nhận rõ và dự báo chính xác các nguy cơ thì mới có hành động đúng được. Còn không đánh giá đúng được tình hình, sai phương pháp thì sẽ phải trả giá bằng sinh mạng người dân".
Phải thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội
Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.Nguyễn Đức Chung về công tác phòng, chống dịch covid-19 tại phiên họp số 28, cùng với với nhiệm vụ tập trung chống dịch, ông Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu các cấp chính quyền của thành phố quan tâm đến công tác an sinh xã hội. “Cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội, nhất là đối tượng người có công, người nghèo, không nơi nương tựa…”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Khi phong tỏa, Thành phố yêu cầu nhà nào ở nhà đó
Sáng 13/4, tại phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, Chủ tịch UBND TP.Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch covid-19 Hà Nội đề cập đến việc phong tỏa thôn Hạ Lôi và nói rằng: "Khi phong tỏa, Thành phố yêu cầu nhà nào ở nhà đó. Trong nhà cũng phải tổ chức cách ly; khi ăn cũng cố gắng phân ra thời gian để người ăn trước người ăn sau. Không nên giao tiếp với nhau nhiều". Đồng thời nhấn mạnh phải coi Hạ Lôi như bệnh viện Bạch Mai thu hẹp. Bất kỳ ai có yếu tố liên quan đến Hạ Lôi đều có nguy cơ lây nhiễm".
Cần phải chạy đua với thời gian trong việc khoanh vùng, dập dịch
Ngày 9/8, chủ trì cuộc họp ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với các quận, huyện, thị xã, ông Nguyễn Đức Chung đánh giá: "Dịch ngày càng phức tạp, điều này đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn, tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ hơn, cần phải chạy đua với thời gian trong việc khoanh vùng, dập dịch". Đồng thời nhấn mạnh, lúc này công tác lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR rất quan trọng để có thể kịp thời phát hiện ca bệnh, ngăn chặn nguồn lây. Ông Chung cũng yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, khoanh vùng trên tinh thần bình tĩnh nhưng không chủ quan, lo lắng. Ca bệnh ở đâu thì nhanh chóng truy vết, dập dịch tại đó.
N.Giang