Ngày 6/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND TP.HCM đã bác kháng cáo kêu oan, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND quận 4 (TP.HCM), tuyên bị cáo Nguyễn Hữu Linh phạm tội Dâm ô người dưới 16 tuổi, xử phạt 1 năm 6 tháng tù.
Sau khi phiên xử kết thúc, trao đổi với báo chí, luật sư bào chữa của ông Linh cho biết, sẽ cùng với thân chủ làm đơn kiến nghị giám đốc thẩm kêu oan.
Trước thông tin này đã khiến dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến băn khoăn đặt dấu hỏi, liệu kiến nghị giám đốc thẩm kêu oan của ông Nguyễn Hữu Linh có thỏa đáng hay không? Những trường hợp như thế nào mới được xử giám đốc thẩm và trình tự thủ tục giải quyết ra sao?
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý xung quanh vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp trong lực lượng công an cho biết: “Hiện nay, tòa án chỉ xét xử theo 2 cấp là sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi cấp phúc thẩm tuyên án thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật.
Còn giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị do phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Việc có thêm trình tự đặc biệt này là để đảm bảo các vụ án đều được giải quyết một cách khách quan, đúng bản chất và đúng pháp luật”.
Về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng cho hay: “Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được chia ra làm hai trường hợp.
Thứ nhất, nếu kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án thì chỉ được tiến hành trong hạn 1 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp thứ hai, nếu kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án thì có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong khi người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.
Đồng tình với quan điểm trên, luật gia Ánh Dương (Hà Nội) phân tích thêm: “Các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự, phải có một trong những căn cứ sau: Kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.
Cũng theo vị luật gia này thì chủ thể có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Sau khi nhận được kháng nghị, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền như sau: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Đối với trường hợp của ông Nguyễn Hữu Linh, luật gia Ánh Dương cho biết: “Ông Linh có quyền khiếu nại, kiến nghị giám đốc thẩm. Thế nhưng, khi chưa có kháng nghị, trả lời của cơ quan có thẩm quyền và khi nhận được quyết định thi hành án, ông Linh vẫn phải đi thi hành án”.