Phiên xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ do ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát – Bộ công an) “bảo kê” dần đi đến hồi kết. Chưa đầy 1 tuần nữa, một phán quyết về số phận pháp lý của 92 bị cáo trong vụ án này sẽ được tuyên bởi HĐXX của TAND tỉnh Phú Thọ.
Quá trình đưa vụ án ra xét xử, với những tài liệu, chứng cứ xác đáng, thuyết phục mà HĐXX và VKS đưa ra, một người bị cho là quanh co, thiếu thành khẩn, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác như ông Nguyễn Thanh Hóa cuối cùng cũng đã phải cúi đầu nhận tội.
Trong lời nói sau cùng, ông Hóa nói: “Cho đến giờ phút này tôi vẫn giữ quan điểm đồng ý với tất cả quan điểm luận tội của VKS về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với tôi là hoàn toàn đúng. Tôi không có ý kiến gì và cũng không đổ lỗi cho bất cứ ai, tôi xin chịu hoàn toàn trước pháp luật”.
Nguyên Cục trưởng C50 nói tiếp: “Tôi xin lỗi HĐXX và VKS trong phiên thẩm vấn, do sức khỏe của tôi không ổn định nên có những lời khai mâu thuẫn, gây khó khăn cho HĐXX và VKS. Do hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn nên xin HĐXX cho tôi nhận mức án thấp nhất để tôi sớm trở về báo hiếu, chịu tang mẹ và nuôi con nhỏ”.
Trong lời nói sau cùng, nguyên Cục trưởng C50 cũng nói lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, ngành công an đã nuôi dạy ông nhưng ông chưa trả được ơn. Cuối cùng, ông Hóa một lần nữa xin cảm ơn Quý tòa đã xét xử vụ án công tâm, khách quan cũng như đã chiếu cố cho bản thân ông rất nhiều.
Trước đó, tương tự như ông Nguyễn Thanh Hóa, ông Phan Văn Vĩnh cũng bị VKS nhận định rằng quá trình điều tra, bị cáo Phan Văn Vĩnh thành khẩn, nhưng tại tòa lại quanh co, đùn đẩy trách nhiệm khi cho rằng bị cáo chỉ có lỗi gián tiếp, có chăng là thiếu trách nhiệm nên để xảy ra hậu quả nêu trên, do vậy VKS đã không cho ông Vĩnh được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.
Song bước sang phần tranh luận, ông Vĩnh bất ngờ thừa nhận toàn bộ trách nhiệm. Ghi nhận thái độ thành khẩn, VKS đã đề nghị HĐXX áp dụng thêm 1 tình tiết giảm nhẹ là điểm s, khoản 1 Điều 51, BLHS đối với ông Phan Văn Vĩnh.
Một câu hỏi đặt ra, trước thái độ thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết cùng với việc trình bày hoàn cảnh khó khăn, con cái còn nhỏ và xin được về chịu tang mẹ thì ông Hóa có được HĐXX xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho hưởng bản án khoan hồng của pháp luật?
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Bá Ngà (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) phân tích: Qua theo dõi diễn biến phiên tòa, luật sư biết VKS đề nghị mức án từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với ông Nguyễn Thanh Hóa. Một trong các lý do để VKS đề nghị mức án của ông Hóa cao hơn ông Vĩnh có thể đã cân nhắc, đánh giá cả về thái độ thiếu thành khẩn, còn quanh co chối tội, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới. Việc này chính là thể hiện tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật đối với người phạm tội.
Nhưng pháp luật của chúng ta cũng hết sức nhân văn, nhân đạo khi vận dụng nhuần nhuyễn cả các đạo lý từ thời cha ông để lại: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Điều này đã được thể hiện ngay trong phiên tòa khi VKS bất ngờ thay đổi quan điểm luận tội, đề nghị HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo đối với ông Phan Văn Vĩnh và điều này cũng hoàn toàn có thể xảy ra đối với ông Nguyễn Thanh Hóa.
Qua theo dõi vụ án, luật sư Ngà được biết trong phần luận tội, VKS đã đề nghị HĐXX cho ông Hóa được hưởng 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, v, x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Cụ thể là: b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ông Hóa không được VKS cho hưởng tình tiết giảm nhẹ là Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải.
“Nhưng, cuối cùng ông Hóa cũng đã thừa nhận toàn bộ tội phạm của mình như cáo trạng truy tố nên rất có thể sẽ được HĐXX ghi nhận việc này và cho hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ tại điểm s, khoản 1, Điều 51 giống ông Phan Văn Vĩnh để sớm được trở về chịu tang mẹ và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng vẫn thuộc về HĐXX”, luật sư Ngà nói.
Clip: Ông Nguyễn Thanh Hóa nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.