Theo VietNamNet, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, khẳng định đã chuẩn bị các điều kiện cơ bản nhất để xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.
Về đề án thành lập “Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang”, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, một trong những nội dung nổi bật của đề án là về tổ chức bộ máy.
Tỉnh đề xuất phương án mô hình tổ chức bộ máy hành chính của đặc khu theo hướng thiết chế Trưởng đặc khu cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng khu hành chính, không phải là một cấp chính quyền địa phương.
Mô hình này không tổ chức HĐND và UBND. Đặc khu được chia thành các khu hành chính (chuyển từ 9 xã, thị trấn sang thành 9 khu hành chính).
Cùng với đó, thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy, đồng thời là Trưởng đặc khu. Bí thư cấp ủy cơ sở, đồng thời là Trưởng khu hành chính.
Hợp nhất các cơ quan thuộc huyện ủy, cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện Phú Quốc, các phòng, ban chuyên môn thuộc Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc thành 8 ban chuyên môn trực thuộc Trưởng đặc khu.
Hợp nhất MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội thành cơ quan có tên gọi là MTTQ và các đoàn thể. Các đơn vị sự nghiệp có Trung tâm dịch vụ hành chính công và Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
“Người đứng đầu đặc khu, nếu bí thư đồng thời là Trưởng đặc khu sẽ tập trung đầu mối chỉ đạo, điều hành một cách toàn diện, trực tiếp; có đủ thẩm quyền giải quyết kịp thời, nhanh chóng công việc của đặc khu theo nguyên tắc giao việc phải kèm theo giao quyền”, Bí thư tỉnh Kiên Giang nói.
Ông cũng cho hay: “Để tránh lạm quyền của Bí thư kiêm Trưởng đặc khu Phú Quốc, cơ chế kiểm soát, giám sát được xác định trong dự thảo luật Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt cũng như trong đề án có đề cập”.
Về hiệu quả kinh tế, theo tính toán, Phú Quốc cần số vốn rất lớn để hoàn thiện hạ tầng, vận hành. Cụ thể, tổng nguồn đầu tư cần thiết đến 2030 tới 40 tỷ USD, trong đó giai đoạn đầu (2016-2020) đã cần phân nửa số vốn đó. Số vốn ngân sách hàng năm cần rót vào Phú Quốc cũng tới hàng tỷ USD, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương cần khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, theo bộ KH-ĐT, tổng nguồn thu mang lại từ đặc khu cũng chỉ ở mức 19-20 tỷ USD. Trên tờ Dân Trí, ông Nguyễn Thanh Nghị đã đưa ra những lý do để đặc khu kinh tế Phú Quốc thuyết phục được Quốc hội và cử tri.
“Giai đoạn 2021-2030, GRDP của Phú Quốc sẽ đạt từ 54-73 tỷ USD. Với các nguồn lực đầu tư được huy động lớn như vậy và quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn lớn sẽ tạo hiệu quả tổng hợp, lan tỏa phát triển các mặt kinh tế-xã hội của Phú Quốc.
Các chính sách ưu đãi sẽ tác động kích thích tăng trưởng mạnh lĩnh vực dịch vụ, thương mại và tạo việc làm mới, dự kiến sẽ thu hút khoảng 57.000 lao động (khoảng 39.000 lao động trong tỉnh và 18.000 lao động ngoài tỉnh).
Thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt từ 13.500 - 28.600 USD/người/năm vào năm 2030. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân sẽ được nâng cao”, ông Nguyễn Thanh Nghị phát biểu.
Thành Huế (tổng hợp)