Cú "bẻ lái" bất ngờ
Từ chủ trương phát triển nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Cường (SN 1970) trú tại xóm 2, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi những vùng đất cát, trũng thành các ao, đầm nuôi tôm.
Với 6ha nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, mỗi năm Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Nguyễn Cường bán ra thị trường gần 150 tấn tôm thương phẩm thu về 25 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, những đầm tôm công nghệ cao giúp ông Nguyễn Cường có lãi ròng 7 tỷ đồng.
Ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 còn cung ứng vật tư, thiết bị, linh kiện, thức ăn… để nuôi tôm cho bà con trong vùng. Ngành kinh doanh dịch vụ này cũng giúp ông Nguyễn Cường thu về 35 tỷ đồng mỗi năm, thu lãi gần 2 tỷ đồng.
Có được thành công vang dội nhưng ông Cường vốn là tay ngang, trước khi dấn thân thử sức với lĩnh vực thủy sản là chủ thầu xây dựng.
Xâm nhập vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, kinh nghiệm thực tiễn chưa thấm tháp vào đâu nên những ngày đầu ông đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Theo Dân Việt, khoảng 2 thập kỷ trước, ông bất ngờ "bẻ lái" thầu những khu đất trống ven biển ở xã Diễn Trung để đào ao nuôi tôm. Đầu tiên ông Nguyễn Cường nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh.
Đây cũng là thời điểm hệ thống ao nuôi chưa được áp dụng các công nghệ hiện đại, chịu nhiều tác động của thời tiết, vì thế năng suất không cao, lợi nhuận thấp. Sau đó ông chuyển dần sang nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng.
Vừa làm, vừa học trải qua không ít lần thất bại, ông Nguyễn Cường bắt đầu thành công với con tôm thẻ chân trắng.
"Mới đầu mình nuôi theo phương pháp truyền thống, có những năm tôm chết nhiều, bao nhiêu tiền của công sức cũng đổ sông đổ bể. Mỗi lần như thế tôi rà soát lại toàn bộ quy trình nuôi tôm của mình xem lỗi ở đâu để lần sau khắc phục. Tích lũy kinh nghiệm qua từng vụ tôm, để có thể thành công như ngày hôm nay", ông Nguyễn Cường chia sẻ.
Đã có gần 20 năm gắn bó với con tôm thẻ chân trắng, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Nghệ An vẫn nhớ như in những năm 2016 và năm 2021 là thời điểm cực kỳ khó khăn.
Năm 2016, dịch bệnh nhiều, khi tôm được nuôi đã đạt 50 con/kg thì bắt đầu chết nổi trắng đầm. Đành phải vớt bỏ, tiêu hủy để xử lý ao hồ. Số tôm còn sót lại đạt trọng lượng để xuất bán thì thị trường lại khó tiêu thụ, giá tôm giảm.
Mọi cái khó đổ dồn về như muốn đánh gục ông chủ đầm tôm, nhưng ông không nản chí tiếp tục cải tạo đầm tôm, thả những lứa tôm thẻ chân trắng mới.
Những tác động của dịch bệnh vào năm 2021 cũng khiến Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 điêu đứng khi giá tôm thương phẩm chạm đáy, thậm chí không thể bán được tôm.
Thời điểm này, ông Nguyễn Cường cũng chấp nhận lỗ hàng tỷ đồng để tiếp tục gắn bó với nghề nuôi tôm.
Áp dụng công nghệ cao là "chìa khóa" để thành công
Khó khăn không thể đánh gục ý chí của ông Nguyễn Cường, tiếp tục gắn bó với con tôm thẻ chân trắng giúp Nông dân Việt Nam xuất sắc nhiều lần thu về "quả ngọt".
Có năm, tôm đạt năng suất cao, giá tôm thẻ chân trắng lại "lên đỉnh" đạt 240.000 đồng đến 250.000 đồng/kg giúp ông Nông dân Việt Nam xuất sắc thu về hàng chục tỷ đồng.
Có thêm vốn, ông tiếp tục đầu tư những công nghệ cao áp dụng, hoàn thiện quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng.
"Biến đổi khí hậu khiến thời tiết khắc nghiệt hơn. Trong khi con tôm thẻ chân trắng lại chịu nhiều tác động từ thời tiết. Vì thế tôi đầu tư thêm hệ thống mái che, máy tạo oxi, nhiệt kế kiểm soát nhiệt độ trong từng khu vực nuôi tôm.
Đặc biệt, nguồn nước đầu vào để nuôi tôm thẻ chân trắng cũng được kiểm soát rất chặt. Nguồn nước nuôi tôm phải được xử lý nhiều lần khi đạt các chỉ số an toàn mới được sử dụng để nuôi tôm", ông Cường chia sẻ.
Áp dụng công nghệ cao chính là "chìa khóa vàng" giúp ông Nguyễn Cường thành công với con tôm thẻ chân trắng.
Theo ông Cường, nuôi tôm công nghệ cao có nhiều ưu điểm nổi bật, nếu vận dụng tốt có thể gia tăng mật độ nuôi để tăng hiệu quả kinh tế.
Môi trường nuôi được kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu, từ nhiệt độ, độ mặn đến chất lượng nước sẽ giảm thiểu tối đa rủi ro về dịch bệnh, đồng thời tăng cao tỉ lệ sống sót của con tôm.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu chú trọng quá trình ươm giống, thời gian kéo dài từ 20 - 25 ngày với mật độ 2.500 con/m3 nước.
Thời điểm này con giống cần được chăm sóc đặc biệt nhằm tích lũy đầy đủ dưỡng chất và sức đề kháng.
Giai đoạn kế tiếp chuyển sang nuôi ở mật độ 500 con/m3 trong 20 - 25 ngày, khi tôm đạt trọng lượng 200 - 250 con/kg. Cuối cùng, tiếp tục nuôi cho đến khi giống đạt trọng lượng 30 con/kg thì xuất bán.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, qua nhiều năm lăn lộn trong nghề, nhận thấy điều kiện thời tiết Nghệ An quá khắc nghiệt, con tôm vốn dĩ "đỏng đảnh" thành thử đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là vào mùa hè nóng nực, do đó gia đình ông Cường ưu tiên nuôi 4 tháng vụ đông, căn thời điểm xuất bán đúng vào dịp tết Âm lịch khi nhu cầu thị trường tăng cao, được giá.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Cường còn tham gia tích cực trong các hoạt động phong trào của địa phương.
Ông hiến đất làm đường, đóng góp công sức, vật chất vào các phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Vận động các hộ nuôi tôm trong vùng làm sạch môi trường, ký cam kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2021, ông Nguyễn Cường được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An tặng giấy khen "Đạt thành tích trong nuôi trồng thủy sản".
Năm 2022, Hội Nông dân huyện Diễn Châu tặng giấy khen "Đã có thành tích xuất sắc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, năm 2024, ông Nguyễn Cường được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An tặng giấy khen "Đã có thành tích trong quá trình xây dựng và phát triển ngành thủy sản Nghệ An"
Thành lập hợp tác xã để cùng nhau phát triển
Ngành kinh doanh dịch vụ, cung ứng vật tư cho ngành nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn cũng giúp Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 có điều kiện tương trợ cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Đặc biệt vào những thời điểm khó khăn, ông Nguyễn Cường cho các hộ nuôi tôm nợ tiền vật tư, thức ăn, tái đầu tư để nuôi tôm.
Nhờ thế, ông Nguyễn Cường nắm rõ những khó khăn của các hộ gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng, cũng như các gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thường xuyên gặp phải. Từ đó, ông Nguyễn Cường cũng mong muốn thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản quy tụ những hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
"Dự kiến hợp tác xã sẽ có 30 thành viên là các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Hợp tác xã sẽ là nơi mọi người cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau vượt qua những thời điểm khó khăn.
Khi thành lập hợp tác xã thì nguồn cung ứng vật tư, thiết bị cũng ổn định hơn. Bên cạnh đó, mình có thể kiểm soát, ổn định được giá bán ra thị trường, giúp mọi người cùng tăng thêm thu nhập", ông Nguyễn Cường chia sẻ.
Minh Hoa (t/h)