Người được chọn là Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump trong một phát biểu gần đây đã đặt ra câu hỏi, nếu các biện pháp chống Nga của Tổng thống Obama vừa đưa ra được coi là "trừng phạt chính trị" do phá hoại bầu cử, thì tại sao vụ hack dữ liệu liên bang nghiêm trọng vào năm 2015 có liên quan đến Trung Quốc thì ông Obama lại "không có bất cứ phản ứng nào".
"Tại sao mọi thứ bỗng trở nên nghiêm trọng như vậy? Hãy nhìn vào việc 35 nhà ngoại giao bị trục xuất và hai địa điểm phải đóng cửa, câu hỏi ở đây là: Phản ứng như vậy có phù hợp với mức độ nghiêm trọng của vấn đề hay không? Nếu nhìn lại trong quá khứ, bạn sẽ không thấy có bất kỳ một vụ việc tương tự nào", Sean Spicer nói trên kênh truyền hình ABC hôm 2/1.
Thành viên nội các của ông Donald Trump sau đó đã so sánh vụ cáo buộc Nga tấn công tin tặc với vụ tấn công an ninh mạng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi hàng triệu nhân viên chính phủ bị đánh cắp thông tin cá nhân và dấu vân tay bảo mật. Trong khi các quan chức Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc đứng đằng sau vụ hack quy mô lớn này vào tháng 6/2015, ông Obama chỉ cảnh báo có thể trừng phạt kinh tế đối với Bắc Kinh.
"Trong năm 2015, Trung Quốc đã đánh cắp hơn một triệu hồ sơ, dữ liệu nhạy cảm của những người như tôi, những nhân viên đã từng làm việc trong chính phủ. Họ lấy cắp thông tin cá nhân, nơi chúng tôi sống, những điều chúng tôi đã làm, thế nhưng không có một tuyên bố nào từ Nhà Trắng được đưa ra. Không có hành động công khai được thực hiện. Chẳng có gì xảy ra cả", Spicer nói.
Trung Quốc sau đó đã bác bỏ tất cả cáo buộc liên quan đến vụ tấn công tin tặc nói trên. Sau khi gặp ông Tập ở Washington vào tháng 9/2015, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đều đồng ý rằng cả hai không tấn công vào tài sản trí tuệ của nhau.
"Không có điều gì xảy ra. Vì vậy, có một câu hỏi về việc liệu lệnh trừng phạt chính trị ở đây có phải là một đòn đánh ngoại giao hay không", Spicer hoài nghi.
Ông Spicer nêu ý kiến rằng khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, ông Donald Trump nên đảo ngược các biện pháp trừng phạt và ngay lúc này Tổng thống đắc cử nên có một cuộc họp riêng với cộng đồng tình báo về những lời cáo Nga tấn công mạng nói trên.
"Tổng thống mới đắc cử cần phải ngồi xuống với người đứng đầu cộng đồng tình báo vào tuần tới và có được một báo cáo đầy đủ về những gì họ biết, lý do tại sao họ biết điều đó, có hay không các phản ứng của chính quyền Obama đã tương ứng với các hành động này", Spicer nói.
Người sẽ là Thư ký báo chí Nhà Trắng vào ngày 20/1 này cũng giải thích lý do ông Trump sẽ không tin vào các báo cáo từ FBI.
"Nếu nhìn vào báo cáo, bạn sẽ thấy nó là một loạt các khuyến nghị đơn giản rằng nên thay đổi mật khẩu hay quyền quản trị. Nó cho thấy Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ có sự bảo mật về công nghệ thông tin rất lỏng lẻo".
Theo RT, bản báo cáo hôm 29/12 của Mỹ mặc dù cáo buộc Nga tấn công tin tặc phá hoại cuộc bầu cử vừa qua, tuy nhiên chi tiết báo cáo không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào mà chỉ rõ sợi dây liên kết giữa nhóm hacker và Moscow.
Trong khi đó tờ Washington Post cũng phải đính chính lại bài viết của mình 2 ngày trước, khi nói rằng các nhà chức trách Mỹ phát hiện một máy tính xách tay có chứa malware (mã độc) của Nga tấn công vào mạng lưới của một nhà máy điện ở tiểu bang Vermont.
Bài báo trích dẫn thông tin từ các quan chức giấu tên sau đó phải đính chính lại rằng chiếc máy tính không có kết nối nào với hệ thống nhà máy điện này và cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Quốc Vinh