Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29/9 đã ký các sắc lệnh mở đường cho các khu vực Kherson và Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine chính thức gia nhập Liên bang Nga.
Các sắc lệnh do Điện Kremlin công bố cho biết, nhà lãnh đạo Nga đã công nhận 2 khu vực này là những lãnh thổ độc lập. Đây là một bước trung gian cần thiết trước khi ông Putin có thể tiếp tục kế hoạch nhằm tuyên bố công nhận các khu vực này là một phần của Nga.
Ông Putin cũng đã ký một sắc lệnh tương tự trước đó vào ngày 21/2, khi ông công nhận 2 khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, Luhansk và Donetsk, là các quốc gia độc lập.
Kiev và các cường quốc phương Tây không công nhận 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) là các quốc gia có chủ quyền.
Trong ngày 30/9, ông Putin sẽ chủ trì buổi lễ ký kết hiệp ước gia nhập với 4 vùng lãnh thổ, gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson, tương đương khoảng 15% diện tích Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, buổi lễ sẽ diễn ra vào lúc 15h giờ Moscow (19h giờ Hà Nội) ngày 30/9, “về việc cho các vùng lãnh thổ mới gia nhập Liên bang Nga”.
Theo đó, số vùng hành chính của Nga sẽ tăng lên thành 89 vùng, hãng thông tấn Nga TASS cho biết.
Các thỏa thuận sẽ được ký “với tất cả 4 vùng lãnh thổ đã tổ chức trưng cầu dân ý và đưa ra các yêu cầu tương ứng với phía Nga”, ông Peskov nói, đồng thời cho biết thêm rằng các thành viên của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga và lãnh đạo các vùng của Nga cũng sẽ có mặt tại Điện Kremlin.
“Tổng thống Putin sẽ có một bài phát biểu quan trọng tại sự kiện này. Đây không phải là bài phát biểu của Tổng thống trước Quốc hội (Thông điệp Liên bang hàng năm). Không nên nhầm lẫn giữa 2 bài phát biểu này”, ông Peskov cho biết.
Vị phát ngôn viên thông tin thêm rằng, sau buổi lễ ký kết, ông Putin sẽ gặp những người đứng đầu DPR, LPR, vùng Zaporizhzhia và vùng Kherson tại Điện Kremlin. Cả 4 nhà lãnh đạo ly khai này đều đã có mặt ở Moscow trước khi buổi lễ diễn ra.
Ukraine họp khẩn, sẽ ra “các quyết định cơ bản”
Để phản ứng với động thái trên của Điện Kremlin, cũng trong ngày 30/9, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức an ninh, chính trị và quốc phòng hàng đầu Ukraine.
Cụ thể, buổi họp sẽ có sự tham gia của các thành viên của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Thủ tướng Ukraine và người đứng đầu Cơ quan An ninh Nội địa Ukraine (SBU).
Ông Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết “các quyết định cơ bản” cho đất nước sẽ được đưa ra tại cuộc họp, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Tổng thống Zelenskyy đã nhiều lần bác bỏ các “cuộc trưng cầu dân ý” là bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo về một phản ứng mạnh mẽ của Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và nhiều nước khác từ chối công nhận kết quả của các cuộc trưng cầu ý dân, tuyên bố tôn trọng các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong cuộc hội đàm hôm 29/9 ở Washington với lãnh đạo các Đảo Thái Bình Dương, đã lặp lại tuyên bố rằng sẽ “không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ” công nhận kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý trên.
Ukraine trên đà giành được Lyman, kêu gọi quân Nga đầu hàng
Đài CNN hôm 29/9 cho biết, video và hình ảnh mà họ thu được cho thấy các lực lượng Ukraine đang kiểm soát các khu vực nông thôn thuộc vùng Donetsk, bao gồm khu vực đang có tranh chấp xung quanh thị trấn Lyman.
Theo đó, xe tăng Ukraine được nhìn thấy đang tiến vào trong khu vực giữa đống đổ nát của các ngôi làng bị hư hại nặng nề. Rải rác trên những con đường là những công sự hoang phế, với tên lửa và đạn dược bị bỏ lại, cũng như phần còn lại của các xe tăng và phương tiện quân sự bị phá hủy hoặc hư hỏng trong giao tranh.
Một số thiết bị bị bỏ lại được nhìn thấy xung quanh các làng Zelena Dolyna, phía bắc Lyman - mà CNN đưa tin hôm 28/9 rằng đã nằm trong tay các lực lượng Ukraine - và làng Lypnove lân cận.
Trong một số video, có thể nghe thấy tiếng loa thông báo. Theo bản dịch của CNN, nội dung thông báo khẳng định các lực lượng Ukraine đã giành được Lyman và kêu gọi đối phương hạ vũ khí đầu hàng.
Trước đó, hôm 29/9, các đơn vị thân Nga ở Lyman vẫn tiếp tục kháng cự, nhưng giờ có vẻ họ đang bị bao vây từ 3 phía, theo CNN.
Ông Alexander Petrikin, người đứng đầu chính quyền thành phố thân Nga, thừa nhận tình hình ngày càng “khó khăn” đối với các lực lượng Nga đang cố gắng nắm giữ vùng lãnh thổ này.
Sự sụp đổ của các tuyến phòng thủ của Nga trong và xung quanh Lyman sẽ cho phép người Ukraine tập trung vào các mục tiêu xa hơn về phía đông, bên trong khu vực Luhansk ở Donbass.
Luhansk là một trong 4 khu vực chuẩn bị gia nhập Liên bang Nga, cùng với Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson.
Trước đó, các cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức ở 4 khu vực này, với kết quả được Bộ Ngoại giao Nga thông báo hôm 28/9 là hơn 98% cử tri đã chọn ủng hộ gia nhập Liên bang Nga.
Các cuộc bỏ phiếu đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi. Các quốc gia châu Âu và Mỹ coi chúng là “trò giả tạo” và tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ công nhận các khu vực Ukraine là một phần của Nga.
Ông Putin nói về những sai lầm trong tổng động viên
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng tất cả những sai lầm mắc phải trong đợt tổng động viên quân sự một phần để củng cố chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cần được sửa chữa, hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin.
Ông cũng nói rằng những người đã có kinh nghiệm quân sự và được đào tạo về các chuyên ngành bắt buộc nên được điều động đầu tiên.
Đã có nhiều biểu hiện bất bình rộng rãi từ các cán bộ và công dân về cách xử lý công tác tổng động viên, được công bố vào tuần trước, trong đó có khiếu nại về việc các sĩ quan chuyên trách gửi giấy gọi nhập ngũ cho những người không nằm trong diện bị điều động.
Hàng ngàn nam giới Nga đã tìm cách rời khỏi đất nước để tránh quân dịch.
Phần Lan đóng cửa biên giới với du khách Nga
Phần Lan sẽ đóng cửa biên giới đối với khách du lịch Nga từ nửa đêm ngày 30/9 theo giờ địa phương, động thái dự kiến sẽ làm giảm đáng kể lưu lượng qua lại ở khu vực biên giới giữa 2 nước, chính phủ Phần Lan cho biết.
“Quyết định về mặt nguyên tắc nhằm mục đích ngăn chặn hoàn toàn hoạt động du lịch đến Phần Lan và quá cảnh qua Phần Lan của người Nga”, Ngoại trưởng Pekka Haavisto cho biết trong một cuộc họp báo hôm 29/9.
Ông Haavisto cho biết, việc nhập cảnh để thăm gia đình, cũng như làm việc và học tập, vẫn sẽ được cho phép.
Các nước thành viên EU khác có biên giới với Nga, gồm Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan, đã hạn chế nhập cảnh đối với người Nga từ ngày 19/9, ngăn cản công dân Nga có thị thực Schengen nhập cảnh với mục đích du lịch, kinh doanh hoặc cho các sự kiện thể thao hoặc văn hóa.
Vụ đường ống Nord Stream 1 và 2: Chưa tìm ra nguyên nhân
Trang The Guardian dẫn nguồn Reuters cho biết một số diễn biến liên quan đến các sự cố tại đường ống Nord Stream 1 và 2, mà các nhà lãnh đạo EU tin rằng là do hành động phá hoại.
Trong ngày 30/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) sẽ nhóm họp theo đề nghị từ phía Nga, sau những nghi ngờ về những hành động phá hoại có chủ đích nhằm vào các đường ống mà Nga và các đối tác châu Âu đã chi hàng tỷ USD để xây dựng.
Tính đến ngày 29/9, nguyên nhân gây hư hỏng đường ống Nord Stream 1 và 2 dưới Biển Baltic vẫn chưa được tìm ra.
Lực lượng phòng vệ bờ biển Thụy Điển cho biết họ đã tìm thấy vết rò rỉ thứ tư. Trước đó, 3 điểm rò rỉ đã được phát hiện trên các đoạn đường ống nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển.
Các nước phương Tây cho rằng hai đường ống đã bị phá hoại, nhưng đã ngừng đổ lỗi một cách công khai.
Nga đã phủ nhận sự liên quan, nói rằng đây giống như hành động khủng bố do nhà nước bảo trợ và ám chỉ rằng Mỹ sẽ đạt được lợi ích từ vụ việc. Washington đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, còn quá sớm để suy đoán ai đứng sau loạt sự cố với hai đường ống dẫn khí khổng lồ này.
NATO cũng gọi các vụ rò rỉ đường ống là hành động phá hoại, và cho biết họ sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực cố ý nào nhằm vào cơ sở hạ tầng của các thành viên liên minh.
Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, The Guardian, CNN)