Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa đưa ra quyết định có tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brazil năm nay hay không, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho biết khi trả lời các phóng viên hôm 4/9.
"Cho đến nay, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về vấn đề này", người phát ngôn Điện Kremlin cho biết.
"Nga vẫn tiếp tục công việc của mình trong khuôn khổ G20. Đại sứ Nga tại G20 vẫn tiếp tục làm việc tích cực với các đồng nghiệp của mình. Chúng tôi đang bảo vệ lợi ích của mình tại đó. Nhưng Tổng thống (Putin) vẫn chưa đưa ra quyết định", ông Peskov nói thêm.
Kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022 và Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga hồi tháng 3/2023, vấn đề công du nước ngoài của ông Putin đặc biệt được chú ý.
Ông Peskov hôm 4/9 nói với các phóng viên rằng lệnh bắt giữ của ICC sẽ không thể hạn chế các mối liên hệ của Tổng thống Nga Putin với các quốc gia mà ông quan tâm.
"Toàn bộ câu chuyện này với ICC… không thể và sẽ không phải là rào cản đối với sự phát triển quan hệ của Nga với các quốc gia đối tác quan tâm đến việc phát triển quan hệ song phương và bao quát các mối quan hệ quốc tế", người phát ngôn của Tổng thống Nga cho biết.
"Phần lớn thế giới có tầm nhìn rộng hơn nhiều về triển vọng hợp tác quốc tế so với những gì mà ICC che mắt", ông nói thêm.
Theo ông Peskov, các nhà chức trách nhận thấy "sự quan tâm lớn đến đất nước Nga từ phần lớn thế giới. Và chúng tôi cũng quan tâm".
Trong suốt khoảng thời gian kể từ khi có lệnh bắt giữ của ICC mà phía Moscow coi là vô hiệu vì Nga không phải là thành viên, ông Putin đã có các chuyến công du nước ngoài tới "các quốc gia thân thiện" nhưng không tới các quốc gia ký kết Quy chế Rome thành lập ICC.
Tổng thống Nga đã không tới dự trực tiếp Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 ở Nam Phi hồi tháng 8/2023 để tránh khiến nước chủ nhà khó xử vì Nam Phi là một quốc gia thành viên ICC.
Hôm 3/9, nhà lãnh đạo Nga đã có chuyến thăm chính thức tới quốc gia thành viên ICC đầu tiên là Mông Cổ.
Ukraine gọi quyết định không bắt giữ ông Putin của Mông Cổ là "một đòn nặng nề đối với ICC và hệ thống tư pháp hình sự quốc tế".
Phía Mông Cổ đã lên tiếng về vấn đề này. Một phát ngôn viên chính phủ Mông Cổ nêu rõ: "Mông Cổ nhập khẩu 95% sản phẩm dầu mỏ và hơn 20% điện từ các nước láng giềng, bao gồm Nga và Trung Quốc, và những nguồn cung này rất quan trọng đối với sự tồn tại của đất nước".
"Mông Cổ luôn duy trì chính sách trung lập trong mọi quan hệ ngoại giao, bằng chứng là các tuyên bố chính thức của chúng tôi cho đến nay", vị phát ngôn viên nói thêm.
Minh Đức (Theo TASS)