Đối với tân lãnh đạo Trung Quốc, đến thăm nước Nga đầu tiên là một động thái biểu tượng. Năm ngoái, không đầy một tháng sau ngày nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin sang Bắc Kinh trong chuyến công du đầu tiên.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Nga, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Sự kiện tôi chọn nước Nga thân hữu trong chuyến công du cấp Nhà nước đầu tiên chứng tỏ tính chất đặc biệt của mối quan hệ chiến lược”.
Ông cũng nhận định rằng quan hệ Trung-Nga ngày nay đang ở đỉnh cao phát triển. “Hai quốc gia chúng ta là những đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Hôm nay quan hệ Trung-Nga đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong toàn bộ lịch sử tồn tại”, - ông Tập nhấn mạnh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lưu ý rằng giữa ông và ông Putin đã thiết lập mối liên hệ cá nhân thân thiết trong thời gian những lần gặp trước. Người đứng đầu Trung Quốc nhấn mạnh rằng mục tiêu chính trong chuyến thăm hiện tại của ông là cố gắng huy động thêm nhiều nỗ lực bổ sung để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược song phương.
Trong khi đó, tổng thống Nga cũng tuyên bố, quan hệ đôi bên đang lên và đạt đến giai đoạn “tốt đẹp nhất” và mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.
Nga và Trung Quốc vẫn thường xuyên sát cánh tại Hội Đồng Bảo An Liên hợp quốc, chống lại các nghị quyết trừng phạt Iran và Syria. Trên hồ sơ Myanmar trước thời kỳ đổi mới và Triều Tiên, Mátxcơva và Bắc Kinh luôn có đồng quan điểm.
Trong hai thập niên qua, trao đổi thương mại, kinh tế chiếm vị thế hàng đầu trong quan hệ Nga-Trung và đã lên đến 88 tỷ đôla, theo như tuyên bố của ông Tập Cận Bình. Matxcơva bán cho Bắc Kinh công nghệ quân sự, dầu khí và nhập khẩu hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc.
Sau cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Putin thông báo, Nga và Trung Quốc sẽ đưa khối lượng thương mại song phương lên đến con số 100 tỷ dollar vào năm 2015. Nguyên thủ quốc gia Nga lưu ý rằng sự hợp tác nhiều mặt giữa Nga và Trung Quốc đáp ứng lợi ích cơ bản của cả hai nước.
"Chúng tôi nhất trí với Chủ tịch Trung Quốc sẽ làm tất cả những gì có thể để tiếp tục phát triển sự hiệp lực thương mại-kinh tế, hợp tác nhân đạo và những liên hệ khác. Chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ những bước đi trong các vấn đề khu vực và quốc tế", - ông Putin nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo Nga cũng nói thêm rằng các bên đều có nguyện vọng tập trung khuyến khích các dự án đầu tư kinh doanh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tại Nga, các bên đã ký kết hàng loạt văn kiện quan trọng về phát triển hợp tác năng lượng. Tập đoàn "Rosneft" và tập đoàn Trung Quốc CNPC đã ký Thỏa thuận về những điều kiện cơ bản cung cấp dầu thô theo điều kiện thanh toán trước. Ngoài ra giữa "Rosneft" và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã ký văn bản thỏa thuận tín dụng. "Rosneft" và CNPC còn ký Hiệp định về hợp tác chiến lược trong lĩnh vực thăm dò địa chất, khảo sát, khai thác và bán sản phẩm hydrocarbon. Tập đoàn Nga "Gazprom" và CNPC ký Bản ghi nhớ về dự án cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua tuyến đường ống lộ trình phía đông. Bản ghi nhớ xác định các thông số cơ bản của hợp đồng, mở ra con đường tới đồng thuận về mức giá. Dự kiến là hợp đồng sẽ được ký kết trước khi hết năm nay, - như người đứng đầu "Gazprom" Aleksei Miller cho biết.
Đáng chú ý nhất, theo thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Quốc Bình, trong ba ngày công du, phía Trung Quốc sẽ ký với Nga một thỏa thuận xây ống dẫn khí đốt xuyên Siberia. Trong nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, trong năm 2012, Trung Quốc nhập của Nga 42,5 tỷ mét khối khí đốt, tăng hơn 30% so với năm 2011. Đề án xây ống dẫn khí, một khi hoàn thành, sẽ cho phép Trung Quốc nhập khẩu 68 tỷ mét khối mỗi năm để duy trì guồng máy sản xuất. Theo Lý Lập Phàm, phó giám đốc trung tâm Nga học và Trung Á tại Thượng Hải thì hợp tác năng lượng sẽ mở đường cho hai bên “nới rộng sang các lãnh vực khác”.
Sự kiện hai nhân vật ngoại giao giàu kinh nghiệm được bổ nhiệm vào các chức vụ then chốt vừa qua đã làm cho giới phân tích suy đoán là Trung Quốc sẽ có một chính sách đối ngoại năng động: Cựu ngoại trưởng Dương Khiết Trì lên làm Ủy viên quốc vụ viện đặc trách đối ngoại, trong khi chiếc ghế bộ trưởng Ngoại giao được trao cho Vương Nghị, cựu đại sứ tại Nhật Bản và đặc trách quan hệ với Đài Loan. Ông Dương Khiết Trì là người chủ trương là cần phải buộc Hoa Kỳ không dấn thân vào châu Á, mà đặc biệt là trong hồ sơ tranh giành chủ quyền biển đảo ở Hoa Đông và biển Đông. Trên thế cờ đối đầu với Mỹ, ban lãnh đạo Trung Quốc trông cậy vào Nga.
Vũ Quý (Dân trí)