Trước phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 9 vừa diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/12, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Như vậy ông Cang chỉ còn là thành ủy viên TP.HCM. Từ cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, nay ông thuộc Thành ủy TP.HCM quản lý và phân công công việc.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 5 Uỷ viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương”.
Trước ông Tất Thành Cang, 2 người phải rời ghế Trung ương là ông Đinh La Thăng (cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM) và ông Nguyễn Xuân Anh (cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng); 2 ủy viên Trung ương bị Bộ Chính trị kỷ luật cùng ở mức cảnh cáo là ông Trương Minh Tuấn (nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương) và ông Trần Quốc Cường (Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk).
“Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Đưa ý kiến về trường hợp kỷ luật ông Tất Thành Cang, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Việc xử lý đối với ông Tất Thành Cang thể hiện sự nghiêm túc của Trung ương trong việc xử lý cán bộ vi phạm".
“Chỉ đáng tiếc, ông Tất Thành Cang sinh năm 1971, là một cán bộ trẻ vào Trung ương vẫn còn rất nhiều thời gian để cống hiến mà lại có những vi phạm nghiêm trọng như vậy.
Ông Tất Thành Cang là biểu hiện của cán bộ trẻ nhưng không tu chí, rèn luyện đạo đức đúng mực. Đây là câu chuyện đáng tiếc nhưng xử lý như vậy là hoàn toàn đúng đắn”, ông Thưởng nói.
Dù “mất ghế” Trung ương nhưng ông Tất Thành Cang vẫn còn là thành ủy viên. Theo ông Thưởng, việc ông Tất Thành Cang sẽ làm gì trong thời gian tới thì Thành ủy TP.Hồ Chí Minh sẽ phân công. “Tuy nhiên, đã vi phạm nặng thì rất khó thay đổi, ông Tất Thành Cang chỉ nên làm công dân bình thường thôi”, ông Thưởng nói.
Ông Phan Xuân Xiểm - nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu quan điểm: “Sự “đau lòng” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ không chỉ là chuyện của cá nhân mà còn là thái độ xử lý của Đảng với các cá nhân vi phạm: Không nể nang, bao che, không có vùng cấm hay nội bộ. Tất nhiên, đã xử lý đảng viên vi phạm mà lại ở cấp Trung ương như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng nhưng không phải vì thế mà chúng ta không làm một cách quyết liệt”.
Ông Phan Xuân Xiểm chỉ ra một số những vấn đề trong công tác cán bộ hiện nay nhìn từ vụ việc của ông Tất Thành Cang. Ông Xiểm nói: “Qua đây có thể thấy những vấn đề trong quá trình quản lý và giáo dục đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát với cán bộ đảng viên đã bị coi nhẹ. Vì nếu kiểm tra, giám sát thường xuyên thì có thể cán bộ không vi phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ hơn.
Thêm nữa, quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của một số đảng viên như ông Tất Thành Cang là không khép mình vào khuôn khổ, không chấp hành quy chế, quy định của Đảng.
Trong nội bộ cấp ủy, tổ chức có sự buông lỏng trong giám sát, quản lý cán bộ. Nếu kiểm tra thường xuyên, phát hiện sai phạm thì chắc chắn ông Tất Thành Cang không vi phạm nghiêm trọng đến mức ấy.
Chính vì vậy, chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong vụ việc xảy ra với ông Tất Thành Cang. Ở đây là có trách nhiệm của tập thể và những đồng chí bên cạnh ông Tất Thành Cang. Họ đã không sát sao, không nghiêm minh để xảy ra sai phạm rồi phải để đến Trung ương vào cuộc xử lý”.
Ông Phan Xuân Xiểm cũng cho rằng cách 3 chức vụ kể trên, ông Tất Thành Cang vẫn còn là thành ủy viên của Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, chưa phải là cách hết các chức vụ trong Đảng.
"Tuy nhiên, với một người vi phạm nghiêm trọng, đã bị mất nhiều chức vụ như vậy, ông Tất Thành Cang cũng không còn đủ uy tín để làm bất cứ công việc nào khác nữa và cũng khó còn đủ uy tín đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Nguyên tắc của Đảng là sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Những xử lý tiếp theo với ông Tất Thành Cang sẽ được tiếp tục thực hiện căn cứ vào từng sai phạm cụ thể, không loại trừ việc có thể xử lý cả bằng luật pháp”, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định.
“Từ vụ việc ông Tất Thành Cang sẽ có nhiều bài học được rút ra trong việc giáo dục đảng viên các cấp. Tới đây, tôi tin Đảng sẽ có những rút kinh nghiệm và lựa chọn con người chuẩn mực hơn”, ông Phan Xuân Xiểm kết luận.