Phải không ít lần liên hệ, PV mới gặp được “ông Tây móc cống” người Mỹ James Joseph Kendall (SN 1981), bởi thời gian này anh đang mải mê với nhóm Keep Hanoi Clean (Vì Hà Nội Sạch) để chuẩn bị cho những dự án bảo vệ môi trường trong những ngày Tết Nguyên đán đang cận kề. James nói tiếng Việt khá tốt, chủ yếu anh học được từ những người bạn Việt Nam và tự học.
Nhưng chính giọng lơ lớ đó khiến người đối diện cảm nhận được sự chân thành của chàng trai cách nửa vòng Trái đất đã yêu và gắn bó với dải đất hình chữ S như quê hương thứ hai.
Tại Việt Nam, sau hành động lội cống bẩn vớt rác thải tại phố Nguyễn Khang (Cầu Giấy), James đã được mọi người đặt cho biệt danh “ông Tây móc cống”. Anh chia sẻ, đặt chân đến Việt Nam, anh nhận thấy đây chính là nơi anh muốn gắn bó lâu dài và muốn dành nhiều thời gian để góp công sức nhỏ bé của mình thay đổi môi trường sống xanh hơn, sạch hơn.
PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với James Joseph Kendall về tình yêu anh dành cho Việt Nam và điều gì khiến chàng trai Mỹ “mê” Tết Nguyên đán đến vậy.
Chào James, anh có thể chia sẻ lý do gì đưa anh đến Việt Nam, điều gì thật sự gây ấn tượng với anh khi đặt chân đến Hà Nội?
Tôi đến Hà Nội vào năm 2013 để thăm anh trai hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam. Tôi cũng chưa hình dung đất nước đã trải qua hai cuộc chiến tranh sẽ như thế nào. Ấn tượng đầu tiên của tôi đến Hà Nội là cuộc sống rất hạnh phúc và yên bình. Điều đó thật sự gây ấn tượng mạnh với tôi và cho tôi cảm giác bình yên như ở nhà. Tôi được chào đón một cách rất thân thiện và cởi mở.
Có thể nói, ngay từ lần đầu tiên đến Hà Nội, tôi đã “phải lòng” những con người, đường phố nơi đây. Thời gian ở Việt Nam của tôi chưa dài, nhưng cũng đủ để tôi hiểu và yêu mến đất nước Việt Nam chân thành.
Tôi yêu Hà Nội như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Hà Nội từ món ăn tới văn hóa và con người. Thứ duy nhất mà tôi còn băn khoăn ở Hà Nội là sự ô nhiễm và tôi đang cố gắng để thay đổi điều đó theo hướng tốt đẹp hơn. Điều cốt lõi tôi mong là thay đổi nhận thức của người dân về việc để rác đúng nơi, không vứt rác bừa bãi và bảo vệ môi trường.
Ngoài con người và thiên nhiên Việt Nam, điều gì hấp dẫn và níu chân anh đến hôm nay?
Tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước tuyệt vời và tất nhiên có những con người tuyệt vời. Nơi đây ẩm thực rất ngon, nhiều loại hình văn hóa độc đáo, thời tiết cũng thay đổi theo mùa và theo vùng. Đó là một trong những nơi tốt nhất để du lịch, nhưng điều quan trọng nếu sống ở đây nhiều năm sẽ thấy rất nhiều điều mới lạ và thú vị. Đặc biệt, không khí Tết Nguyên đán của các bạn khiến tôi muốn ở Việt Nam lâu dài.
Anh cảm nhận như thế nào về Tết Nguyên đán ở Việt Nam?
Quê hương tôi không có Tết cổ truyền. Người dân cũng không chuẩn bị đón năm mới một cách chu đáo và đầy đủ như ở Việt Nam. Tết ở đất nước tôi và nhiều quốc gia khác chỉ đơn giản là chúc nhau sau giờ phút giao thừa. Còn Tết Nguyên đán ở Việt Nam nhiều nghi lễ hơn, nhiều lễ hội và diễn ra nhiều ngày hơn.
Tôi thích nhất là không khí đoàn tụ ấm cúng, sự gắn kết, gắn bó chặt chẽ trong gia đình người Việt. Có thể nói Tết của các bạn thật tuyệt vời, thật kỳ diệu để kết nối đưa mọi người đến với nhau gần hơn.
Tôi không chọn Việt Nam mà Việt Nam đã chọn tôi. Tôi không có kế hoạch rời Việt Nam và thực sự tôi muốn gắn bó mãi mãi với nơi đây.
Ở Việt Nam gần 4 năm, chắc hẳn anh đã không ít lần trực tiếp tham gia chuẩn bị Tết?
Tết nào tôi cũng chuẩn bị như người Việt, có năm tôi ăn Tết ở nhà bạn Việt Nam. Tôi biết làm các món đơn giản và cũng tìm hiểu qua sách vở về ý nghĩa bữa cơm ngày Tết. Như món gà luộc, tôi có thể làm được, nhưng thực tế món này tôi không thích lắm (cười).
Mâm cỗ ngày Tết của người Việt được chuẩn bị rất chu đáo. Có thể nói công đoạn chuẩn bị mâm cỗ tết rất công phu, từ việc chọn thịt để giã giò lụa đến việc gói bánh chưng. Chiếc bánh chưng xanh của Lang Liêu giúp tôi hiểu cả một câu chuyện dài về tính nhân văn, giáo dục truyền thống biết ơn đấng sinh thành, tổ tiên, về vũ trụ...
Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ, về hình thức có 5 màu hấp dẫn. Về quan niệm thì đó là sự tượng trưng cho ngũ hành. Ở mỗi vùng có mỗi thứ quả đặc trưng mà người dân gửi vào đó nhiều khát vọng. Đặc biệt, không khí đón Tết cổ truyền ở Việt Nam thật đặc biệt, nhà nhà, người người cùng chuẩn bị. Không khí đón tết từ trong ngõ ra đến ngoài phố rất tấp nập người mua đào, quất, hoa quả...
Năm nào cũng vậy, Tết đến tôi rất háo hức được trông nồi bánh chưng, ngồi bên bếp lửa hồng ấm áp giữa mùa đông Hà Nội. Tôi cũng mơ ước sẽ kết hôn với một cô gái Việt và có một gia đình nhỏ xinh xắn.
Với người Việt, ngoài chuẩn bị các món ăn ngày Tết thì lì xì không thể thiếu, anh có chuẩn bị phong bao lì xì đầu năm cho người thân, bạn bè?
Tôi cũng đi sắm Tết và không thể thiếu bao lì xì để mừng tuổi mọi người. Ở phương Tây cũng có tục tặng quà, nhưng tục lì xì đầu năm ở Việt Nam mang một ý niệm đặc biệt. Từ trẻ nhỏ đến người già ai cũng được chúc Tết bằng một phong bao màu đỏ.
Tuy giá trị đồng tiền trong phong bao không nhiều, nhưng lại gửi gắm vào đó những lời chúc, mong muốn tốt đẹp về sức khỏe, tiến bộ về học hành hoặc sự thăng tiến... Tết tôi cũng chuẩn bị nhiều lì xì mừng tuổi người thân, bạn bè, các em nhỏ và bản thân cũng được nhận rất nhiều lì xì.
Năm nay anh có mời gia đình và bạn bè ở Mỹ sang Việt Nam ăn Tết?
Tất nhiên rồi. Chỉ cần nghe tôi giới thiệu Tết Việt Nam là bạn bè tôi đã muốn sang ngay Việt Nam rồi. 3 năm qua tôi cũng ăn Tết bên gia đình tại Việt Nam. Với các bạn ở Mỹ mỗi dịp Tết đến xuân về tôi đều mời sang Việt Nam không chỉ một lần mà nhiều lần.
Tết là dịp nhiều lễ hội văn hóa mang đặc trưng vùng miền rất tuyệt vời. Và tôi tin, các bạn tôi sẽ “mê” Việt Nam như tôi.
Nhận giải thưởng “Vì tình yêu Hà Nội” Nhiều người biết đến anh chàng người Mỹ James Joseph Kendall sau hành động dọn rác tại một con mương ở phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) hồi tháng 5/2016. Hành động đẹp của anh đã được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ghi nhận và biểu dương. James cũng vinh dự nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái lần 9 ở hạng mục giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội. Nhắc đến vinh dự này, James hạnh phúc chia sẻ: “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình đến Việt Nam và trở nên nổi tiếng với tên gọi “ông Tây móc cống” chỉ sau một đêm. Bản thân tôi càng không dám nghĩ mình sẽ được trao tặng giải thưởng “Vì tình yêu Hà Nội” cho một việc làm hết sức bình thường là dọn rác bảo vệ môi trường”. |
Vũ Phương