Như đã đưa tin, sáng 18/8, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) hoàn tất việc khám xét nơi ở và làm việc của ông Tô Công Lý (35 tuổi), Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý, trụ sở tại phường 8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau).
Ông Lý bị bắt tại TP.HCM về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra đã di lý vị "thiếu gia" này về miền Tây để chứng kiến việc khám xét trong đêm 17 đến rạng sáng 18/8, tại phường 8, TP Cà Mau.
Trao đổi với Zing, một giám đốc doanh nghiệp có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho biết việc ông Tô Công Lý bị bắt có thể liên quan đến những hạng mục xây dựng trong Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau. Giám đốc doanh nghiệp này cùng một số người cũng bị Bộ Công an triệu tập lên TP.HCM để thẩm vấn liên quan vụ việc.
Tìm hiểu được biết ông Lý là con trai trưởng của ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý và là một đại gia có tiếng ở miền Tây.
Doanh nghiệp này là chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, Điện gió Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) và Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau...
Trên trang chủ của công ty giới thiệu Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý được thành lập từ ngày 10/11/2000 do Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Cà Mau cấp (đăng ký thay đổi lần thứ 18 ngày 23/09/2013), vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Đứng đầu doanh nghiệp này là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc – ông Tô Hoài Dân.
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty Công Lý là : Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng và chuyên dụng khác; Đầu tư khu du lịch sinh thái; Đầu tư kinh doanh điện gió (phong điện); Vận tải hàng hóa siêu trường siêu trọng; Kinh doanh du lịch lữ hành và các dịch vụ du lịch khác; Xử lý rác thải; Chế biến và kinh doanh phân vi sinh, các sản phẩm nhựa tái chế…
Cũng theo thông tin đăng tải trên trang web của công ty này thì, công ty Công Lý của bố ông Tô Công Lý là chủ đầu tư nhiều công trình như: Khu du lịch Khai Long và Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau (vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng), thi công gói thầu số 1 và số 12 tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi (vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng).
Ngoài ra doanh nghiệp này cũng đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý thải TP. Cà Mau với tổng mức đầu tư 329 tỷ đồng, đầu tư xây dựng Nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng…
Thực chất công ty Công Lý không hề xa lạ vì đó chính là doanh nghiệp liên quan đến vụ phát hiện 300 xác thai nhi ở Cà Mau.
Cụ thể, công ty Công Lý là đơn vị có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau xin hỗ trợ xử lý tình trạng thai nhi tại nhà máy xử lý rác. Theo đó, công ty gặp tình trạng nhức nhối là thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải hàng ngày tập kết về nhà máy.
Tính từ khi đi vào hoạt động đến nay đã phát hiện hơn 300 thai nhi. Nhà máy đã phải thực hiện chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên. Tuy nhiên, đến nay quỹ đất này không còn chỗ chôn cất, mà hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.
Trước thực tế này, công ty trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi đồng thời kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc thai nhi theo xe rác vào nhà máy...
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công an tỉnh Cà Mau khẳng định, việc công ty Công Lý khai báo phát hiện hơn 300 xác thai nhi bị bỏ rơi nằm lẫn trong lượng rác đưa về nhà máy xử lý và đã chôn cất các thai nhi trong khuôn viên nhà máy là chưa có cơ sở.
Đối với vụ việc này, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu công ty Công Lý phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc cung cấp thông tin không chính xác về số lượng 300 thai nhi bị bỏ rơi nằm lẫn trong rác khi đưa về nhà máy; không để xảy ra trường hợp cung cấp thông tin không chính xác trong thời gian tới.