Có điểm chung thật bất ngờ trong 2 lần ra văn bản gần đây của tổng cục Du lịch, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đó là xuất phát từ nguyên nhân khách quan do áp lực về… thời gian.
Nếu như văn bản "ngồi" trên luật ra ngày 29/4 và phải hủy bỏ gấp gáp ngay trong ngày Quốc tế Lao động vì lý do "văn bản được soạn thảo trong tình trạng gấp gáp nên không tránh khỏi sơ suất", thì tại họp báo về việc xử lý vụ văn bản "xin 400 vé" lần này, vị Phó Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cũng nhấn mạnh "xuất phát từ áp lực đẩy nhanh du lịch nội địa".
Vâng, thời gian, ôi thời gian, nghiệt ngã thay! Thời gian áp lực đã khiến những cán bộ mẫn cán trong một phút nào đó hạ bút không an toàn.
Thời gian là "kẻ thù" của con người khi tạo ra những áp lực vô hình khiến ai cũng có thể mất sáng suốt và thậm chí là nhắm mắt ký bừa?
Xin thưa rằng, với tư duy thoái thác trách nhiệm, dấu ấn cá nhân chỉ có trong những đỉnh vinh quang của quyền lực còn trách nhiệm là của chúng ta, hòa cả làng thì đến bao giờ mới khá lên được?
Đâu đó có những vị cán bộ lãnh đạo xin từ chức nhưng không vì lý do tôi sai, tôi xin chịu trách nhiệm mà lại vì muốn hạ cánh trong danh dự, trốn tránh một cái án kỷ luật nào đó đang lơ lửng trên đầu.
Họ viện lý do sức khỏe không đảm bảo, gia cảnh còn khó khăn, thế là lách luật thành công - bởi Nhà nước khoan hồng, chẳng ai bắt người yếu hay người nghèo phải tận hiến, phải làm việc cho đến sức cùng lực kiệt trừ khi là người ta tình nguyện "vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Và nghiễm nhiên, họ yên vị ẩn mình trong vỏ bọc mĩ miều tưởng như rất đạo mạo, thanh liêm - văn hóa từ chức.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì chưa có một vị cán bộ nào ở Việt Nam từng dõng dạc mà rằng, tôi nhận sai, lỗi của tôi, tôi xin từ chức.
400 vé máy bay miễn phí với 3 hãng hàng không chưa hẳn đã là giá trị to lớn đến mức mà dư luận phải "nhảy dựng" lên. Bởi để kích cầu du lịch, hằng năm các hãng hàng không còn sẵn sàng tung ra cả nghìn vé 0 đồng cơ mà.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đúng người, sai thời điểm gây phẫn nộ. Các hãng hàng không đang trong lúc "ngắc ngoải" sau dịch Covid-19, còn tổng cục Du lịch là một cơ quan Nhà nước có nguồn chi phí công tác từ ngân sách, vì sao lại "mặt dày" ngửa tay xin doanh nghiệp!?
Chưa kể, xin vé máy bay mà như ra lệnh, kiểu xin là ép buộc phải cho trong vui vẻ, đặt các hãng hàng không vào thế muốn phải làm hoặc không muốn thì cũng phải làm nên tốt nhất là vui vẻ mà làm.
Văn bản ban hành với lý do kích cầu du lịch đầy mâu thuẫn, vậy thì mục đích hướng đến đã hoàn toàn thất bại. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ai phải chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản?
Được biết, đã có một cuộc họp báo nghiêm túc về xử lý vụ việc này. Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu tổng cục Du lịch thu hồi văn bản 167 kể trên và giao cho Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan.
Tôi lại băn khoăn lắm, vì cách đây hơn 1 tháng, vào ngày 29/4, tổng cục Du lịch đã ban hành một văn bản "chết yểu" sau 2 ngày tồn tại có nội dung cấm du khách không được chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Văn bản này do chính ông Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh ký. Đến nay, chưa thấy ai bị kỷ luật, vậy với sự việc lần này, ông Tổng cục trưởng xử lý thì có "há miệng mắc quai", rồi có du di cho sai phạm để khỏa lấp "vết xe đổ" mà chính mình nằm trong tiền lệ?
Hay là nhân đà văn bản sai lần này thì xử lý "kép" kỷ luật cá nhân sai phạm để làm gương?
Cùng ra một văn bản gây bức xúc, hoang mang dư luận gần với thời điểm văn bản "ngồi" trên luật của tổng cục Du lịch ra đời, bà Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã chịu kỷ luật Khiển trách vì văn bản "hỏa táng bệnh nhân Covid-19 có thể tử vong". Còn phía tổng cục Du lịch có vướng mắc gì không mà người ký văn bản ngớ ngẩn lại chưa bị án kỷ luật nào gọi tên?
Những chữ ký tưởng vô tri, nằm im trên tờ giấy A4 khô cứng nhưng lại có khả năng thần thánh là "tố" rõ năng lực, nhận thức của người ký văn bản.
Văn bản trái khoáy, thậm chí "ngồi" trên luật như vậy thì với tư cách một công chức đã hoàn thành nhiệm vụ chưa? Với tư cách một lãnh đạo quản lý đã đủ trách nhiệm nêu gương? Hay cuối năm vẫn cứ là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
Cá nhân tôi cho rằng, bản thân người đứng đầu ký văn bản trái quy định mà chưa bị xử lý kỷ luật thì e là tiền lệ xấu, Tổng cục Du lịch sẽ còn "đẻ" ra nhiều văn bản trái khoáy, bất hợp lý và thậm chí là "ngồi" trên luật.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.