Ông Trần Duy Tùng, sinh ngày 25/2/1985, là con trai duy nhất của ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Năm 2009, ông Trần Duy Tùng thành lập công ty CP Tập đoàn An Phú có trụ sở số 1 đường Hàn Mặc Tử, với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Theo đăng ký, Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú làdoanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng và khai khoáng.
Theo giấy phép, công ty CP Tập đoàn An Phú được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú với tổng vốn đầu tư 298 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2018 hoàn tất xây dựng khu biệt thự, nhà ở liền kề; từ năm 2018 đến năm 2020 đầu tư xây dựng chung cư Hiện dự án này vẫn đang triển khai.
Ngoài vị trí Tổng giám đốc công ty An Phú, ông Trần Duy Tùng cũng từng được Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP Cảng Quy Nhơn 2017 chấp thuận chính thức trở thành thành viên HĐQT.
Tuy nhiên, khoảng thời gian ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu và xuất hiện tin đồn bị bắt, năm 2017, ông Tùng có đơn xin thôi làm thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn với những lý do: Vì sức khỏe không đảm bảo công tác, vì quá bận bịu công việc ở Hà Nội, ông Tùng đã được chấp thuận rút khỏi thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn.
Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc cổ phần hóa, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử nghiêm cá nhân, tập thể sai phạm và chỉ đạo thực hiện việc thu hồi 75,01% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước.
Ngoài 2 chức danh trên, ông Trần Duy Tùng-con trai ông Trần Bắc Hà còn có một vị trí khác ở Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà mà ít người biết tới.
Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà đầu tư tại Hà Tĩnh là đơn vị triển khai dự án chăn nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh, vay vốn của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) 3.162 tỷ đồng, đến đầu năm 2016 đã giải ngân trên 800 tỷ đồng.
Gói tín dụng sau đó được nâng lên đến 1 tỷ USD (hơn 20.000 tỉ đồng), dự án cũng nâng quy mô lên 254.200 con bò/năm trên diện tích 5.000ha đất, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, lợi nhuận bình quân đạt 1.000 - 1.500 tỷ đồng. Đây được xem là một "siêu dự án". Ông Trần Bắc Hà là một trong những cá nhân ủng hộ nhiệt tình cho dự án này với cam kết tài trợ số lượng lớn vốn.
Cụ thể, BIDV chấp thuận cho CTCP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) vay 2.190 tỉ đồng (tương ứng 76% tổng mức đầu tư) do BIDV Hà Tĩnh làm đầu mối cho vay, trong đó BIDV Hà Tĩnh sẽ đầu tư 1.200 tỉ đồng, các chi nhánh trong hệ thống cho vay số tiền còn lại.
Sau thời gian đầu hoạt động rầm rộ, hiệu quả của dự án ngày càng suy giảm. Cùng với đó dự án bị "tai tiếng" ô nhiễm môi trường và sự phản đối của người dân xung quanh khu vực. Theo báo cáo của Công ty Bình Hà, dự án nuôi bò năm 2016 lỗ hơn 200 tỉ đồng. Từ tháng 6/2017 đến nay, công ty không nhập thêm bò và tính đến giữa năm 2018, số bò được chăn nuôi của dự án còn chưa đến 500 con.
Đáng chú ý nhất là thông tin Dự án chăn nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh là dự án trọng điểm tầm quốc gia trước đó đã được dự kiến giao cho HAGL và Công ty An Phú (công ty của ông Trần Duy Tùng-con trai ông Trần Bắc Hà) nhưng khi thực hiện lại được giao cho một cái tên mới toanh là Công ty Chăn nuôi Bình Hà.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (trụ sở chính tại số 88 Phan Đình Phùng, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) được thành lập ngày 10/4/2015, chỉ khoảng 5 ngày trước khi được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo khảo sát thực hiện dự án nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh.
Theo thông tin từ giấy phép thành lập, ba cổ đông sáng lập của Công ty Bình Hà là ông Đinh Văn Dũng (sinh năm 1965) nắm 45% vốn cổ phần (Tổng giám đốc), ông Thái Thành Vinh (TP.HCM) nắm 30% vốn và ông Trần Anh Quang (sinh năm 1982) nắm 25% vốn.
Tháng 7/2018, ông Dũng lại nhường chức vụ lại cho ông Trần Anh Quang sau khi bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt và khởi tố.
Một điểm đáng chú ý là trên giấy tờ ban đầu, UBND tỉnh Hà Tĩnh có ghi: “Dự án chăn nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh của Công ty cổ phần Tập đoàn HAGL, BIDV và Công ty Cổ phần An Phú”.
Kế hoạch là như vậy nhưng khi đến thời điểm thực hiện, chủ đầu tư của dự án trên giấy tờ lại là Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, một công ty rất "mới" và hoàn toàn không liên quan đến HAGL hay CTCP An Phú.
Đại diện HAGL cũng khẳng định Tập đoàn không phải là cổ đông góp vốn và không có liên quan gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Bình Hà. HAGL chỉ hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn ban đầu cho doanh nghiệp này.
Trong khi đó, tông tin từ Tổng cục thuế, ông Trần Anh Quang từng nắm giữ chức vụ Giám Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú và ông Trần Duy Tùng - con trai của ông Trần Bắc Hà là người đại diện pháp luật. Vì vậy, việc dự án chăn nuôi bò Hà Tĩnh bỗng nhiên được giao cho công ty Bình Hà (thành lập chỉ khoảng 5 ngày trước khi được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư) là có vấn đề liên quan đến ông Trần Duy Tùng.
Ngoài các chức danh trên, ông Trần Duy Tùng còn là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Souk Houng Heang Savannakhet (SHH). Cuối năm 2017, ông Trần Duy Tùng cùng với ông ông Trần Bắc Hà với tư cách Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam tại Lào (AVIL), đã đăng tuyển hàng nghìn kỹ sư, lao động kỹ thuật, sinh viên cho các dự án phát triển cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại Lào.
Công ty TNHH MTV Souk Houng Heang Savannakhet (SHH), một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đầu tư tại Lào trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể là dự án phát triển cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, bao gồm các chủng loại cây khoai lang, chanh dây, chuối, bơ, thanh long, mít, sầu riêng, bưởi, lựu tại các tỉnh Khammuane, Savannakhet, Salavan, Champasak, Attapeu.
Đình Văn