"Ông trùm viễn thông" dự báo về sự phát triển của Internet trong kỷ nguyên 4.0

"Ông trùm viễn thông" dự báo về sự phát triển của Internet trong kỷ nguyên 4.0

Nguyễn Thành Huế

Nguyễn Thành Huế

Thứ 2, 19/02/2018 18:25

TS. Mai LiêmTrực, nguyên Thứ trưởng thường trực bộ Bưu chính Viễn thông nhớ lại, thời điểm năm 1995 liên lạc giữa Việt Nam và Mỹ đã được kết nối lại nhưng cước phí điện thoại giữa hai nước rất đắt.

Internet kết nối vạn vật

 

Xã hội - 'Ông trùm viễn thông' dự báo về sự phát triển của Internet trong kỷ nguyên 4.0

TS. Mai Liêm Trực.

Vào khoảng thời gian năm 1995, người Việt Nam còn khó khăn, vì vậy chúng ta ký thỏa thuận, cứ người Việt Nam và Mỹ gọi điện thoại cho nhau thì phía người Mỹ phải trả tiền. Và khi đó, ngành bưu điện mới có tiền đầu tư cho trang thiết bị.

Để Internet vào Việt Nam phải có 3 điều kiện. 1: Mạng viễn thông phải tự động hóa, số hóa. 2: Phải có đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hiểu công nghệ Internet, xây dựng mạng nội bộ theo tiêu chuẩn Internet. Với điều kiện 1 thì năm 1995, mạng viễn thông Việt Nam đã số hóa hoàn toàn, mở liên lạc với các nước. Năm 1996,  Việt Nam đã tham gia đầu tư tuyến cáp biển. Còn về điều kiện 2 thì cũng đã phần nào đáp ứng được. Bưu điện Khánh Hòa, viện Công nghệ Thông tin, công ty FPT... đã có những thí điểm và có trình độ hiểu biết. Còn điều kiện thứ 3, rất quan trọng- là phải được các lãnh đạo cao cấp cho phép và ủng hộ.

“Năm 1996, tôi dự cuộc họp quốc tế ở Thái Lan. Khi kết thúc hội nghị, các bạn bắt tay nói “See you on the Internet” (Hẹn gặp trên mạng), mình cũng nói vậy nhưng kỳ thực là đã có Internet đâu nên trong lòng rất sốt ruột. Vì vậy càng thôi thúc tôi cùng các cộng sự thuyết phục các bộ, ngành và Chính phủ .

Vấn đề mà các lãnh đạo cấp cao lo ngại nhất là lộ bí mật Quốc gia và văn hóa đồi trụy, thông tin xuyên tạc, bịa đặt sẽ ảnh hưởng tới người dân. Đây là suy nghĩ rất đúng.  Vì thế, chúng tôi phải giải trình về cái lợi và cái hại và đưa ra giải pháp. Không thể vì lo lắng quá mà kìm hãm sự phát triển.

Ông Lê Khả Phiêu lúc đó là thường trực Bộ Chính trị hỏi bức tường lửa có chặn hết được không. Tôi cũng nói thật là không thể ngăn được hết. Tuy nhiên, sau khi nghe thuyết trình, ông Lê Khả Phiêu đã đồng ý và yêu cầu sang báo cáo với Thủ tướng Phan Văn Khải.

Sau đó, chúng tôi có báo cáo ở nhà riêng ông Phan Văn Khải. Thủ tướng cũng lo lắng rất nhiều về việc lộ bí mật Quốc gia. Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, nhưng khi tiễn chúng tôi ra khỏi nhà thì Thủ tướng quàng tay vỗ lên vai tôi nói: “Trực cố gắng quản lý Internet cho tốt, chứ nếu mở ra mà phải đóng lại thì không biết phải nói với thế giới thế nào”.

Quả thực, cái vỗ vai của Thủ tướng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Chức của mình thì không sợ so với vấn đề trách nhiệm với Quốc gia. Sau khi đã đủ điều kiện, năm 1997, Việt Nam đã họp báo công bố kết nối với Internet toàn cầu”, ông Mai Liêm Trực nhớ lại.

Tuy nhiên, theo ông Trực, tới năm 2000,  trên cả nước chỉ có khoảng 200.000 máy tính được kết nối Internet. Người nước ngoài khi tham quan Việt Nam cũng không biết ghé vào địa điểm nào để truy cập Internet. Cách quản lý quá thận trọng theo phương châm “quản được đến đâu thì mở tới đó” nên không cho mở đại lý Internet, không cho Internet cà phê, bưu điện cũng không có dịch vụ truy cập Internet.

Mãi sau này, khâu quản lý đã tốt hơn thì mới thuyết phục được các cấp thẩm quyền để mở rộng, phát triển. Và cũng kể từ đó, bắt đầu đổi mới tư duy quản lý theo hướng quản lý phải song hành cùng với sự phát triển.

Từ năm 2001, do chính sách quản lý mở ra nhiều và do sự tiến bộ về công nghệ, băng rộng ADSL, sau này là công nghệ cáp quang, 3G, 4G và sự phổ biến, giá rẻ của smartphone, sự cạnh tranh của các nhà mạng nên Internet đã phát triển vũ bão.

Ông Mai Liêm Trực cho biết, thời gian tới, Internet sẽ còn tác động sâu và rộng vào kinh tế, xã hội Việt Nam. Internet không chỉ kết nối giữa con người với con người mà trở thành thời kỳ Internet kết nối vạn vật.

Theo TS. Mai Liêm Trực, hiện nay, ở Việt Nam Internet đã phát triển và có thể cung cấp được tất cả các dịch vụ như các nước trên thế giới với giá cước rất rẻ, chất lượng tốt. 50 triệu người hàng ngày sử dụng 4-5 tiếng đồng hồ Internet. Điều này thể hiện rõ sự tác động tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề của Việt Nam.

Nhiều ngành như hàng không, viễn thông, thuế, hải quan, ngân hàng, báo chí... không có Internet thì không thể hoạt động được. Nó còn tác động tới tất cả các lĩnh vực Kinh tế, Y tế, Giáo dục, Văn hoá... Và bản thân Internet cũng đã tạo ra một số ngành mới như ngành thương mại điện tử, công nghiệp nội dung số, công nghiệp phần mềm,...

“Cách đây 10 năm, không ai có thể tưởng tượng được chỉ một cái điện thoại di động thôi mà có thể thay thế được rất nhiều thứ lỉnh kỉnh như đồng hồ đeo tay, giấy bút, máy ghi âm, máy chụp ảnh, ví điện tử, thẻ ngân hàng... Nhiều người cũng không thể lường được tương lai còn thay đổi những gì. Internet là một công trình vĩ đại nhất của nhân loại, hơn cả Kim tự tháp, hơn cả Vạn lý trường thành...”, TS. Mai Liêm Trực nhận xét.

Theo TS.Trực, Internet đã mang tới cho con người một không gian sống mới. “Hàng nghìn năm trước đây, con người chỉ có thể sống trong không gian vật lý, mặt đối mặt. Mọi người chỉ sống với cuộc sống thật nhưng 25 năm nay, Internet đã bổ sung cho con người một môi trường sống mới đó là không gian số, cuộc sống online. Nó không thay thế cuộc sống hàng ngày mà chỉ bổ sung cho cuộc sống hàng ngày một vẻ mới. Con người vừa sống ở cuộc sống offline vừa sống ở cuộc sống online.

Ngôi nhà chung Internet là một ngôi nhà rất đẹp, rộng mênh mông nhưng nó chung cho tất cả mọi người. Người tốt sống trong đó nhưng kẻ xấu cũng hít thở ở trong đó. Người trộm cướp, xả rác, nói xấu... ở cuộc sống ngoài thì cũng làm như vậy ở cuộc sống online. Internet không xấu, chỉ có hành vi của con người ở trên đó là xấu”, TS. Mai Liêm Trực chia sẻ.

Vì Internet thể hiện hành vi của con người, nên ông Trực cho rằng, ngăn chặn những “rác rưởi” trên Internet cũng giống như với các hành vi ngoài đời thực. Chúng ta phải giáo dục để con người ứng xử văn minh trên mạng, nếu làm những việc vi phạm pháp luật thì cũng bị xử lý từ phạt hành chính tới phạt tù... Đối với thông tin bịa đặt, vu khống thì phải nói lại cho kịp thời, chính xác, trung thực. Chỉ có thông tin mới thoả mãn được thông tin, tư tưởng phải được giải phóng bằng tư tưởng.

Xã hội - 'Ông trùm viễn thông' dự báo về sự phát triển của Internet trong kỷ nguyên 4.0 (Hình 2).

Internet sẽ kết nối vạn vật

Robot sẽ làm thay nhiều việc của con người

TS. Trực dự báo, Internet sẽ tiếp tục phát triển như vũ bão trong tương lai. Vài chục triệu người ở Việt Nam chưa có cơ hội tiếp xúc với Internet sẽ có cơ hội trong thời gian tới. Vì một lý do nào đó mà họ không tiếp cận với Internet thì đó là lỗi của xã hội. Không có lý do gì xã hội đã được phổ cập mà họ lại bị tụt lại.

Trong những năm trước đây, Internet vẫn là Internet of peoples (Internet kết nối giữa con người với con người) thì trong thời gian tới sẽ là Internet of Things  (Internet vạn vật- kết nối vạn vật với nhau). Qua đó, người ta có thể điều khiển ngôi nhà thông minh của mình từ xa, điều khiển quy trình sản xuất công nghiệp cũng từ xa, điều khiển tivi ở nhà bằng một chiếc điện thoại dù đang ở nơi làm việc...  Sự kết nối của Internet vạn vật vượt xa gấp nhiều lần so với kết nối với con người. Và thực tế đó cho thấy, chúng ta càng khó dự đoán được tương lai của Internet trong những năm tiếp theo.

Trong cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng của số hoá và kết nối thì Internet vạn vật là một yếu tố không thể thiếu. Đặc biệt là sự xuất hiện của robot làm thay nhiều phần việc của con người. Những ngành như dệt may, nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Không chỉ là những lao động chân tay mà robot còn có thể tham gia vào những công việc khó khăn hơn như chăm sóc người già, giúp việc nhà, thậm chí tham gia phẫu thuật chữa bệnh. Luật sư sau này có thể khó có công ăn việc làm hơn vì toàn bộ các thông tin tư vấn đã được số hoá và máy tính với trí tuệ nhân tạo cũng hoàn toàn có thể tư vấn cho khách hàng.

Trước đây, trong các phim của Mỹ xuất hiện những cảnh xe hơi không người lái, máy bay, tàu ngầm không người lái... Điều này sẽ trở thành hiện thực và sử dụng phổ biến trong một ngày không xa. Ông Trực cũng cho rằng, Việt Nam không thể bỏ lỡ cuộc cách mạng 4.0. Đây là cơ hội để chúng ta “nhảy vọt”.

“Nếu như Việt Nam đã chậm hơn thế giới thì với cách mạng công nghiệp thứ ba tuy có chậm hơn nhưng khoảng cách cũng không lớn. Riêng với Internet, chúng ta không chậm hơn và đó là điều kiện để chúng ta rút ngắn khoảng cách so với các nước. Với cách mạng công nghiệp 4.0, tôi không muốn nói đó là cơ hội cuối cùng mà chỉ muốn nói rằng đó là thời cơ rất tốt để Việt Nam cùng đi với các nước trên một chuyến tàu”, TS Mai Liêm Trực nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.