Hãng tin AP cho hay, cộng đồng những người làm trong lĩnh vực pháp lý ở Mỹ đang đưa ra những quan điểm khác nhau về việc liệu quyết định mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có vi phạm một đạo luật liên bang đã tồn tại suốt 50 năm qua hay không.
Cụ thể, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 9/1 đã chính thức công bố việc bổ nhiệm con rể Jared Kushner – chồng của cô Ivanka – vào vị trí cố vấn cấp cao Nhà Trắng, phụ trách chính sách đối nội và đối ngoại.
Nhưng theo luật pháp Mỹ, quan chức nhà nước không được chỉ định người nhà vào một vị trí làm việc trong cơ quan mà họ đang làm việc hay đang kiểm soát để tránh tình trạng gia đình trị hay “con ông cháu cha”.
Theo đội ngũ cố vấn của ông Trump khẳng định, quyết định của Tổng thống đắc cử không vi phạm luật pháp bởi đạo luật chống gia đình trị được ban hành vào năm 1967 không áp dụng với đội ngũ những nhân viên của tổng thống.
Ông Trump được cho là đang dựa vào cách hiểu khác của cách giải thích đạo luật trên, từng được một tòa án công nhận vào năm 1993, cũng như một điều khoản khác của Luật liên bang tư năm 1978, cho phép tổng thống được chỉ định nhân viên Nhà Trắng “mà không cần quan tâm đến bất kỳ điều khoản nào khác của pháp luật”.
Tuy nhiên, nhiều giáo sư và các nhà đạo đức học không chắc chắn về cách giải thích trên của nhóm chuyển giao làm việc cho ông Trump.
Norman Eisen, một luật sư làm việc cho chính quyền Tổng thống đương nhiệm Mỹ Barack Obama, cho hay quyết định bổ nhiệm ông Jared Kushner là “không rõ ràng về pháp luật”.
Trong khi đó, theo giáo sư luật Kathleen Clark từ Đại học Washington ở St.Louis, bang Missouri (Mỹ), những nghiên cứu của bà về luật chống gia đình trị do Tổng thống Lyndon Johnson thông qua cho thấy nó có áp dụng đối với Nhà Trắng.
“Quốc hội đã thông qua luật này nhưng không chỉ ra trường hợp ngoại lệ đối với Nhà Trắng. Nó có quy mô khá lớn, được áp dụng cho các ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp và cả chính quyền nhà nước”, bà Clark nói.
Còn giáo sư Gerard Magliocca, một giáo sư tại trường Luật McKinney trực thuộc Đại học Indiana nói rằng ông nghi ngờ về việc đạo luật này có thể áp dụng đối với các nhân viên làm việc cho tổng thống mà không gặp phải các vấn đề liên quan tới hiến pháp.
“Rất khó giải thích việc tại sao Quốc hội Mỹ lại có thẩm quyền hạn chế các nhân viên của tổng thống”, giáo sư Magliocca nói.
Luật sư của con rể ông Trump, ông Jamie Gorelick, cũng từng là cựu quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp trong chính quyền ông Bill Clinton, dẫn một trường hợp năm 1993 cho thấy bà Hillary Clinton được phép tham gia vào công việc của Nhà Trắng liên quan tới đạo luật chăm sóc sức khỏe của chồng bà.
Thẩm phán Laurence Silberman, người được cựu Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm, cho rằng đạo luật có khả năng không áp dụng với các nhân viên của Nhà Trắng. Trong khi đó, một thẩm phán khác cũng làm việc từ thời Tổng thống Reagan lại phản bác khi nói rằng luận điểm của Silberman không đủ thuyết phục.
Còn theo phân tích trên truyền thông và báo chí, con rể và con gái của ông Trump đều có thể làm việc cho chính quyền của cha bằng cách làm việc không lương. Hoặc họ có thể “lách luật” bằng cách thuê họ với tư cách là các cố vấn bên ngoài. Thậm chí, ông Trump còn có thể kiện điều luật này dựa vào cơ sở nó gây cản trở cho quá trình bổ nhiệm nhân sự của tổng thống.
Vì thế, bằng cách này hay cách khác, người ta tin rằng ông Trump cũng có thể đưa các con vào làm việc tại Nhà Trắng.
Xem thêm: Ông Trump chưa nhậm chức, Obamacare đã sắp bị hủy bỏ
Danh Tuyên