Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Ukraine sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.
"Họ là một phần của nó (các cuộc đàm phán). Chúng ta sẽ có Ukraine, chúng ta có Nga, và chúng ta sẽ có những người khác tham gia, rất nhiều người", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 13/2.
Các bình luận của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi ông chủ mới của Nhà Trắng có cuộc điện đàm đầu tiên với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trong nhiệm kỳ mới. Ngay sau cuộc điện đàm này, ông Trump cũng điện đàm với Tổng thống Ukraine.
Tổng thống Mỹ khẳng định chắc chắn rằng cả ông Putin và ông Zelensky đều muốn chấm dứt chiến sự bằng một thỏa thuận.
![Ông Trump giải thích tại sao không gọi cho ông Zelensky trước- Ảnh 1. Ông Trump giải thích tại sao không gọi cho ông Zelensky trước- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/14/tong-thong-my-donald-trump-ny-post-1739507681966245275949.png)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: NY Post
"Giao tranh ở Ukraine phải kết thúc. Những người trẻ tuổi đang bị giết ở mức độ mà không ai từng thấy kể từ Thế chiến II. Và đó là một cuộc chiến vô lý, và nó phải kết thúc. Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện tốt đẹp với Tổng thống Putin. Tôi đã có một cuộc nói chuyện tốt đẹp với Tổng thống Zelensky", ông Trump nói với các phóng viên, đề cập đến các cuộc điện đàm mới đây.
"Và có người nói, ồ, tôi nên gọi cho ông Zelensky trước. Tôi không nghĩ vậy. Tôi biết rằng ông Zelensky muốn đạt được một thỏa thuận vì ông ấy đã nói với tôi như vậy. Và bây giờ tôi biết rằng Nga muốn đạt được một thỏa thuận", ông Trump cho biết.
Khi được hỏi liệu ông có tin tưởng Tổng thống Nga Vladimir Putin không, ông Trump nói: "Tôi tin rằng ông ấy muốn thấy điều gì đó xảy ra. Tôi tin tưởng ông ấy về vấn đề này".
Ngoài ra, Tổng thống Trump cho biết các quan chức Mỹ và Nga sẽ gặp nhau tại Munich vào ngày 14/2, và Ukraine cũng được mời.
Tuy nhiên, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev không mong đợi sẽ đàm phán với phía Nga tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) thường niên, khai mạc vào ngày 14/2, và tin rằng Mỹ, châu Âu và Ukraine cần có lập trường chung trước khi đàm phán với Moscow.
Ông Trump cũng gợi ý với các phóng viên rằng sẽ có một cuộc họp của các quan chức cấp cao, mặc dù không phải là các nhà lãnh đạo, từ cả 3 quốc gia tại Ả Rập Xê-út vào tuần tới nhằm mục đích chấm dứt cuộc chiến, nay đã gần tròn 3 năm.
Hôm 13/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã thảo luận về "nhu cầu ngoại giao táo bạo" để chấm dứt giao tranh trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Lời đề nghị đơn phương của ông Trump với ông Putin trong cuộc điện đàm hôm 12/2, kèm theo những nhượng bộ rõ ràng về các yêu cầu chính của Ukraine, đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo cho cả Kiev và các đồng minh châu Âu trong NATO. Họ cho biết, họ lo ngại Nhà Trắng có thể đạt được thỏa thuận mà không có họ.
"Chúng tôi, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, sẽ không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có chúng tôi", ông Zelensky cho biết.
Ukraine tất nhiên sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình theo một cách nào đó, nhưng cũng sẽ có một lộ trình đàm phán song phương giữa Mỹ và Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã nói với Mỹ rằng họ cũng muốn tổ chức các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine, Reuters đưa tin.
Các quan chức châu Âu đã có lập trường cực kỳ cứng rắn trước công chúng đối với lời đề nghị hòa bình của ông Trump với ông Putin, nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ không thể thực hiện được trừ khi họ và người Ukraine tham gia đàm phán.
Minh Đức (Theo TASS, Reuters, Business Standard)