Ông Trump muốn tỷ phú Elon Musk điều tra Bộ Quốc phòng: Hé lộ "điểm đen" nhức nhối

Thứ 3, 11/02/2025 16:51

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây giao nhiệm vụ mới cho tỷ phú Elon Musk về việc điều tra lãng phí hàng tỷ USD ở Lầu Năm Góc. Một quan chức cấp cao của đội ngũ ông Trump hé lộ "mớ hỗn độn” trong lĩnh vực đóng tàu của Mỹ, theo tờ Business Insider (BI).

img

Lầu Năm Góc mỗi năm được cấp ngân sách khổng lồ nhưng chi tiêu cho quân sự được cho là không hiệu quả. Ảnh: Hải quân Mỹ/BI.

Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump nói mong đợi Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) của tỷ phú Elon Musk sẽ "tìm thấy hàng tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đô la gian lận và lãng phí" ở Lầu Năm Góc.

Ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái lên tới hơn 800 tỷ đô la và cơ quan không vượt qua cuộc kiểm toán liên tiếp thứ bảy, nghĩa là có rất nhiều khoản chi không được làm rõ.

“Chúng ta cần biết chúng ta đã chi tiền ra sao”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói trên đài Fox News. “Chúng ta cần biết các khoản tiền đã đi đâu và vì sao. Ngay cả các phương pháp kiểm toán đơn giản mà Bộ Quốc phòng vẫn chưa áp dụng”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz nêu cụ thể vấn đề trong các chương trình đóng tàu của Mỹ. “Có rất nhiều điều cần xem xét trong ngành đóng tàu, lĩnh vực thực sự đang rất hỗn loạn, cần phải xem xét các hợp đồng mua sắm vũ khí", ông Waltz nói trên đài NBC.

Ông Waltz cũng bày tỏ mối quan ngại về quy trình hiện tại, trong đó Lầu năm Góc sẽ trả tiền trước cho công ty đóng tàu, trước khi các thiết kế được hoàn thiện. “Chúng ta trả tiền cho họ ngay từ đầu rồi dự án liên tục bị chậm trễ trong nhiều năm, dẫn tới chi phí bị đội lên rất nhiều”, ông Waltz nhấn mạnh.

Vấn đề nằm ở đâu?

img

Tàu sân bay USS John F. Kennedy của hải quân Mỹ hiện vẫn đang dược đóng mới. Ảnh: Hải quân Mỹ/BI.

Theo BI, Mỹ sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới hiện nay nhưng các dự án ngày càng tốn kém và cơ sở công nghiệp mà hải quân phụ thuộc đang gặp khó khăn.

Một loạt các dự án của hải quân Mỹ gây tranh cãi trong những năm qua, bao gồm tàu tác chiến ven bờ (LCS) và tàu khu trục lớp Zumwalt. Đây là hai trong số nhiều dự án đóng tàu của Mỹ có chi phí vô cùng tốn kém nhưng hiệu quả thực tế lại rất thấp. Mỹ thậm chí đã bắt đầu loại biên các tàu LCS trước khi chúng hết niên hạn sử dụng.

Cá nhân ông Trump cũng từng chỉ trích dự án chế tạo siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford vì con tàu liên tục gặp trục trặc trong khi chi phí nghiên cứu và sản xuất đã vượt quá 13 tỷ USD.

Năm ngoái, Lầu Năm Góc phát hiện các dự án đóng tàu quân sự hàng đầu, bao gồm tàu ngầm và tàu nổi đã bị đình trệ trong nhiều năm và chi phí đội lên ngày càng lớn.

Đó là các dự án chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia, khinh hạm lớp Constellation, và tàu sân bay USS Enterprise. Có dự án đã bị chậm tiến độ tới 2 năm.

Việc thiết kế và đóng mới các tàu chiến này được giám sát bởi Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ, cơ quan có lực lượng lao động gồm hơn 75.000 người, kể cả nhân viên dân sự và quân nhân.

Nguyên nhân sâu xa

Các nhà lập pháp, quan chức, cơ quan giám sát chính phủ và chuyên gia đã kêu gọi cần chú ý hơn đến những khó khăn trong ngành đóng tàu của Mỹ, bao gồm năng lực công nghiệp trong nước suy yếu, các vấn đề về ngân sách và yếu tố kỹ thuật.

img

Năng lực đóng tàu của Trung Quốc đang áp đảo phần còn lại của thế giới. Ảnh: NurPhoto.

Những thách thức khác bao gồm những tác động kéo dài của Covid-19, lạm phát, sự cố liên quan chuỗi cung ứng và lực lượng lao động đang giảm sút.

Một số yếu tố khác quan gồm ngân sách quốc phòng không nhất quán, các yêu cầu và ước tính chi phí thay đổi của Hải quân, có thời điểm các xưởng đóng tàu không nhận được đơn hàng dẫn đến quy mô thu nhỏ đến mức không thể phục hồi trong một sớm một chiều.

Kết quả là chỉ còn một số ít xưởng đóng tàu ở Mỹ chuyên đóng tàu chiến cho hải quân. Vấn đề tương tự liên quan lĩnh vực bảo trì và sửa chữa. Năng lực trong nước bị hạn chế trong khi các xưởng đóng tàu quốc tế không phải là lựa chọn do Mỹ chưa tính tới việc đóng tàu ở nước ngoài.

Mackenzie Eaglen, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, năm ngoái kêu gọi phá vỡ cái mà bà gọi là "vòng lặp diệt vong". Chi phí đóng tàu, bảo trì và sửa chữa tiếp tục tăng khi hạm đội già nua và thu hẹp dần. Các vấn đề mới phát sinh trong quá trình này khiến các bên đổ lỗi lẫn nhau. Hải quân chỉ trích đơn vị đóng tàu, xưởng đóng tàu lại than thở về chi phí tiền lương tăng cao, áp lực lạm phát và tương lai không bền vững, bà Eaglen cho biết.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Trung Quốc – quốc gia đối thủ của Mỹ, hiện đang nổi lên là quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu dẫn đầu thế giới. Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân bằng cách tận dụng các xưởng đóng tàu thương mại và quân sự. Báo cáo của hải quân Mỹ cho thấy mặc dù có ngân sách thấp hơn nhưng Trung Quốc có năng lực đóng tàu gấp 230 lần Mỹ, theo BI.

Trong trường hợp xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể có lợi thế trong việc sửa chữa và đóng mới tàu chiến.

Theo BI, hiện chưa rõ đội ngũ của tỷ phú Elon Musk chỉ tập trung làm rõ các khoản chi cho ngành công nghiệp đóng tàu Mỹ hay sẽ xem xét cả các lĩnh vực khác.

DOGE với vai trò là ủy ban cố vấn của Nhà Trắng, đang tạo ra “cơn bão” quét qua các cơ quan chính phủ, phanh phui nhiều bê bối thất thoát ngân sách. 

Việc DOGE xem xét các chương trình của Lầu Năm Góc có thể gây ra mối lo ngại về tính bảo mật, cũng như không rõ cá nhân ông Musk có quyền truy cập thông tin mật của bộ hay không.

Đăng Nguyễn - BI

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.