"Nỗi đau" của giai đoạn chuyển tiếp
Trong cuộc trò chuyện kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ trên đài truyền hình Mỹ, được phát sóng hôm 4/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận rằng các chính sách của ông là nguyên nhân khiến nền kinh tế suy thoái, đổ lỗi hoàn toàn cho người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Joe Biden.
Một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đã suy giảm trong quý I/2025, đánh dấu mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ quý I/2022.
Phần lớn trong số đó là do sự gia tăng nhập khẩu, được tính vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khi các doanh nghiệp chạy đua để đưa hàng hóa vào trước khi thuế quan của ông Trump có hiệu lực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images
Mặc dù ông đã vận động tranh cử với mục tiêu cung cấp cứu trợ kinh tế ngay lập tức cho người tiêu dùng, nhà lãnh đạo Mỹ đã mô tả "nỗi đau" gần đây là một phần của giai đoạn chuyển tiếp.
Tổng thống Trump lập luận rằng thuế quan cuối cùng sẽ làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, tạo ra doanh thu cho chính phủ và cải thiện nền kinh tế trong nước.
Ông cho biết, ông không loại trừ khả năng các mức thuế quan được công bố trong những tuần gần đây có thể được duy trì, để thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài chuyển sản xuất sang Mỹ.
"Không, tôi sẽ không làm vậy (dỡ bỏ thuế quan), vì nếu ai đó nghĩ rằng họ sẽ được loại trừ, thì tại sao họ lại phải xây nhà máy ở Mỹ?", ông Trump nói.
Điều này cho thấy rằng mức thuế quan mới đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ vẫn được duy trì dưới một hình thức nào đó – ngay cả khi Nhà Trắng cho biết họ có ý định ký kết các thỏa thuận thương mại với một loạt các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, theo Axios.
Nhưng ông Trump nói với người điều phối chương trình "Meet the Press" Kristen Welker trên NBC News rằng, Mỹ sẽ "ổn" trong trường hợp xảy ra suy thoái ngắn hạn trên con đường hướng tới nền kinh tế phát triển mạnh mẽ về lâu dài mà ông dự đoán sẽ đạt được khi các chính sách của ông có hiệu lực hoàn toàn.
Đủ thời gian để làm điều gì đó "thực sự ngoạn mục"
Khi những chiếc mũ "Trump 2028" bắt đầu được bán trên cửa hàng chính thức của ông Trump, một cuộc thảo luận khác lại bắt đầu về việc liệu Tổng thống Mỹ có đang tìm cách thúc đẩy nhiệm kỳ thứ 3 hay không.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 4/5, ông Trump đã "dội gáo nước lạnh" vào ý tưởng này, và thay vào đó đưa ra Phó Tổng thống JD Vance hoặc Ngoại trưởng Marco Rubio là những người có thể kế nhiệm mình.
"Rất nhiều người muốn tôi làm điều đó… Nhưng đây không phải là điều tôi muốn làm", ông Trump nói về nhiệm kỳ thứ 3, cho biết thêm rằng 4 năm là đủ thời gian để làm điều gì đó "thực sự ngoạn mục".
"Tôi muốn có 4 năm tuyệt vời và trao lại cho ai đó, lý tưởng nhất là một đảng viên Cộng hòa tuyệt vời", ông nói trong cuộc phỏng vấn.
Ông gọi ông Vance là "một người tuyệt vời, thông minh" và ông Rubio là "tuyệt vời". Tuy nhiên, ông cho biết ông không muốn bị lôi kéo vào cuộc tranh luận về việc ai có thể kế nhiệm mình.
"Có rất nhiều người trong số họ rất tuyệt. Tôi cũng thấy sự đoàn kết to lớn. Nhưng chắc chắn bạn sẽ nói rằng ai đó là Phó Tổng thống, nếu người đó xuất sắc, tôi đoán người đó sẽ có lợi thế", ông Trump nói.
Vấn đề đối ngoại
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất trên sóng truyền hình Mỹ, ông Trump đã một lần nữa đề cập đến vấn đề đưa Canada thành tiểu bang thứ 51 nhưng với một giọng điệu khác.
"Tôi không nghĩ công chúng Mỹ muốn tôi trả 200 tỷ USD một năm để trợ cấp cho Canada", ông nói trên NBC News.
"Chúng ta không cần ô tô của họ, chúng ta không cần gỗ của họ, chúng ta không cần năng lượng của họ. Chúng ta không cần bất cứ thứ gì. Chúng ta làm rất ít việc kinh doanh với Canada", ông Trump nói.
"Họ thực hiện hầu hết mọi công việc kinh doanh của họ với chúng ta. Họ cần chúng ta, nhưng chúng ta không cần họ".
Tổng thống Trump nói thêm rằng ông nghĩ rằng "rất khó có khả năng" ông sẽ sử dụng vũ lực để sáp nhập nước láng giềng phía Bắc của Mỹ. Đồng thời, ông không loại trừ khả năng tương tự đối với Greenland.
"Chúng ta rất cần Greenland. Greenland là một nơi có dân số rất nhỏ, chúng ta sẽ chăm sóc và trân trọng họ, và tất cả những điều đó. Nhưng chúng ta cần điều đó vì an ninh quốc tế", ông nói.
Khi được hỏi liệu ông có đang tiến gần hơn đến việc đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga không, Tổng thống Mỹ cho biết ông hy vọng là vậy.
"Tôi tin rằng chúng ta đang tiến gần hơn đến một bên, và có thể không tiến gần bằng bên kia. Nhưng chúng ta sẽ phải xem. Tôi không muốn nói chúng ta tiến gần hơn đến bên nào", ông nói.
Việc Washington gần đây ký kết một thỏa thuận khoáng sản với Kiev được nhìn nhận là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang đầu tư vào tương lai của Ukraine.
"Chúng ta đã thực hiện một thỏa thuận tốt cho người dân Mỹ. Chúng ta đã có thể có được đất hiếm", Tổng thống Trump nói về thỏa thuận mà kể từ khi trở lại Nhà Trắng ông đã theo đuổi nhằm tìm kiếm "sự bồi thường" cho các khoản viện trợ Mỹ dành cho Ukraine dưới thời người tiền nhiệm của ông.
Về cuộc diễu binh sắp tới
Trong khi chính quyền của ông đang trong quá trình cắt giảm chi phí, ông Trump cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 4/5 rằng một cuộc diễu hành quân sự theo kế hoạch trên khắp thủ đô Washington D.C. sẽ "đáng giá" mặc dù chi phí ước tính là 45 triệu USD để thực hiện.
"Chúng ta có những tên lửa tuyệt vời nhất thế giới. Chúng ta có những tàu ngầm tuyệt vời nhất thế giới. Chúng ta có những xe tăng quân đội tuyệt vời nhất thế giới. Chúng ta có những vũ khí tuyệt vời nhất thế giới. Và chúng ta sẽ ăn mừng điều đó", ông nói.
Cuộc diễu binh được lên kế hoạch vào ngày 14/6, vừa là Ngày Quốc kỳ vừa là kỷ niệm 250 năm thành lập Quân đội Mỹ. Đây cũng là sinh nhật lần thứ 79 của ông Trump.
Trong khi ông Trump cho biết cuộc diễu binh vẫn đang được xúc tiến, các lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 250 của Mỹ – diễn ra vào năm 2026 – đang phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách vì Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) của ông đã cắt giảm một số chương trình.
Minh Đức (Theo Axios, NBC News)