Vật bất ly thân của các ông chủ Nhà Trắng
Theo tin BBC, ngày 20/1 Tổng thống đắc cử Mỹ, Donald Trump sẽ nhậm chức và trong ngày này một trợ lý quân sự “giấu mặt” sẽ đồng hành cùng Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama đến dự lễ bàn giao quyền lực tại Capitol ở Washington.
Đặc biệt, người trợ lý quân sự sẽ mang theo chiếc va li da được gọi là “quả bóng hạt nhân”. Bên trong chiếc va li có chứa một phần cứng điện tử khoảng 7,3 cm, hay còn gọi là “bánh quy”.
Thiết bị này có chứa mật mã để khởi động một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược. Tài liệu hướng dẫn cách sử dụng chiếc va li hạt nhân này sẽ không được mang ra trước công chúng nhưng một khi Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn thành lời tuyên thệ của mình thì người trợ lý đó sẽ mang tài liệu và chiếc va li đến bên cạnh ông.
Ông Trump sau đó sẽ độc quyền được phép yêu cầu triển khai hành động mà có thể dẫn tới cái chết của hàng triệu người chỉ trong hơn một giờ.
Chính vì sự nguy hiểm của chiếc va li hạt nhân này mà nhiều người lo lắng rằng với tính cách bốc đồng, nóng nảy của ông Trump, liệu có biện pháp nào để ngăn chặn được quyết định gây thảm họa cho loài người?
Ông Trump từng có những bình luận đầy tính khiêu khích về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Thậm chí, mới đây, ông còn tuyên bố rằng ông sẽ là “người cuối cùng sử dụng loại vũ khí này”.
Về mặt lý thuyết, một số nhân vật cấp cao khác cũng tham gia vào quyết định triển khai vũ khí hạt nhân của ông Trump, như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới, tướng James Mattis.
Tuy nhiên, theo Mark Fitzpatrick, chuyên gia giải trừ hạt nhân thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington, quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Tổng thống.
“Không có một sự kiểm soát hay xem xét lại lệnh tiến hành tấn công hạt nhân của Tổng thống. Nhưng khoảng thời gian giữa lúc Tổng thống đưa ra quyết định và lúc tấn công thực sự thì những người khác cũng có thể can thiệp để ông đổi ý”, ông Mark Fitzpatrick cho biết.
Để triển khai vũ khí hạt nhân, ông Trump sẽ phải yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện mệnh lệnh của ông theo hiến pháp.
Về lý thuyết, Bộ trưởng Quốc phòng có thể từ chối tuân theo lệnh nếu có lý do để nghi ngờ tinh thần của Tổng thống không được minh mẫn. Tuy nhiên, điều này hiếm xảy ra và Tổng thống có thể sa thải Bộ trưởng Quốc phòng, sau đó chuyển giao nhiệm vụ cho cấp phó.
Sau ngày nhậm chức, ông Trump sẽ được một phụ tá quân sự đi theo giúp ông mang "quả bóng hạt nhân". Chiếc vali da này luôn bên cạnh tổng thống Mỹ, cho phép ông chủ Nhà Trắng phát động tấn công hạt nhân từ bất kỳ vị trí nào trên thế giới, theo CNN.
Giống như các bậc tiền nhiệm, ông dù Trump ở Nhà Trắng, ngồi trên xe riêng, đi trong thang máy hay đáp chuyên cơ công du nước ngoài, chiếc cặp hạt nhân không bao giờ nằm ngoài tầm mắt của ông.
"Bạn cần sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi. Khoảng cách giữa thời điểm báo động và thực thi rất ngắn, chưa đầy 15 phút trong trường hợp khẩn cấp ", Pete Metzger, người thường nhận trọng trách mang cặp hạt nhân dưới thời tổng thống Mỹ Ronald Reagan cho hay.
Va li da chứa những gì?
Bên trong chiếc va li da chứa các thiết bị và tài liệu liên quan đến việc ra quyết định mà ông Trump sẽ dùng để xác thực mệnh lệnh khai hỏa hạt nhân.
Khi muốn xác nhận triển khai một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ phải dùng đến một tấm thẻ ghi mã xác thực mang mật danh "bánh bích quy". Tấm thẻ này cũng là vật bất ly thân của tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước Mỹ.
Chiếc thẻ quan trọng là vậy mà từng có một vị Tổng thống Mỹ để thất lạc thẻ nhận dạng của mình khi ông để quên trong túi áo jacket và sau đó gửi tới chỗ giặt là.
Theo Washington Post, những tài liệu hướng dẫn chứa trong "quả bóng" giống như một cuốn thực đơn. Song thay vì chọn món ăn, Tổng thống Mỹ sẽ lựa chọn các thành phố hay cơ sở quân sự của đối phương để tấn công.
Theo Bill Gulley, cựu giám đốc Văn phòng Quân sự Nhà Trắng, bên cạnh "bánh bích quy", "quả bóng" còn chứa một cuốn sách dày 75 trang chứa các lựa chọn triển khai tấn công hạt nhân trả đũa, một cuốn sách khác chứa danh sách các địa điểm tuyệt mật là nơi trú ẩn an toàn cho tổng thống cùng một tập văn bản gồm 10 trang hướng dẫn cách vận hành Hệ thống Phát sóng Khẩn cấp.
Một khi Tổng thống lựa chọn và đưa ra phương án tấn công, mệnh lệnh sẽ được chuyển từ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân tới phòng chiến tranh của Lầu Năm Góc và sau đó sử dụng mật mã chuyển tới Hội đồng chiến lược Mỹ ở căn cứ không quân Offutt tại bang Nebraska.
Và mệnh lệnh tấn công sẽ được chuyển tới nhóm chịu trách nhiệm phóng tên lửa khi mật mã đưa tới trùng với mật mã bên trong khu vực để vũ khí hạt nhân.
Mỹ và Nga đều sở hữu lượng tên lửa hạt nhân lớn. Kho vũ khí của hai nước chiếm tới hơn 90% tổng số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Tính đến tháng 9/2016, Nga có khoảng 1.796 đầu đạn hạt nhân và Mỹ có khoảng 1.367 đầu đạn hạt nhân.
Xem thêm >> Ông Trump lấy Twitter làm 'vũ khí' đối phó với truyền thông
Thanh Hiền