Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định nghỉ hưu theo chế độ đối với một số lãnh đạo bộ, ngành và phái viên của Thủ tướng. Trong đó, có ông Trương Đình Tuyển, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia.
Chúng tôi xin điểm lại những phát ngôn ấn tượng của ông Trương Đình Tuyển trong thời gian làm phái viên của Thủ tướng Chính phủ.
"Các ngân hàng đang bắt chẹt doanh nghiệp"
Bàn về việc giảm lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại đã lấy lý do cần từ 3 - 6 tháng để ngấm độ trễ của chính sách, ông Trương Đình Tuyển cho rằng đây là khoảng thời gian quá dài.
Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia vừa nhận quyết định nghỉ hưu |
“Khi tiến hành giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng thương mại vẫn đưa ra lý do là cần từ 3 đến 6 tháng để cần ngấm độ trễ của chính sách. Tôi cho rằng, lấy cớ cần thời gian để “ngấm” chính sách là các NHTM đang lợi dụng chính sách để bắt chẹt doanh nghiệp.
Trong quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại có yêu cầu về quản lý khe hở lãi suất, tức quản lý về thời gian cũng như chênh lệch giữa lượng tiền huy động vào và cho vay ra.
Quá lắm thì cái mà mọi người vẫn gọi là độ trễ thời gian đấy tôi cho rằng chỉ vào khoảng 2 tuần, quá lắm sẽ là 1 tháng. Vậy tại sao các ngân hàng thương mại lại cần đến khoảng thời gian dài đến thế?
Hay ở một góc độ khác, tính toán nhanh của các NHTM hiện mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ra vào khoảng 6% nhưng họ đã mất tới 3% cho các khoản: dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro… Nhưng tôi cho rằng đây lại là một phép tính “nhanh”, thiên về chiều hướng có lợi cho ngân hàng” - ông Tuyển nói.
"Một nghề cho chín..."
Tại diễn đàn dành cho thanh niên về nguồn nhân lực do Trung ương Đoàn tổ chức giữa tháng 12/2012, ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, phải hướng thanh niên theo tinh thần “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.
Làm nghề gì cũng được, bằng cấp không quan trọng, mà quan trọng nhất là kỹ năng để làm tốt việc đó. Đây là một điểm yếu của thanh niên thời nay. “Thanh niên đang chạy theo xu hướng bằng cấp. Tôi không phản đối đối bằng cấp. Tất nhiên bằng cấp nếu thực chất thì sẽ là thước đo về kiến thức, nhưng điều quan trọng là khả năng truyền kiến thức ấy vào thực tiễn thế nào, thì đang rất yếu. Thanh niên bây giờ ai cũng đua nhau học đại học, mà không tham gia vào lực lượng lao động.
Nghề nghiệp thể hiện tâm huyết của mình, thanh niên phải làm được việc ấy. Nhiều người hiện nay dùng nghề để kiếm sống là chủ yếu, làm để cho qua chuyện chứ không phải làm để gửi gắm tất cả tâm hồn vào sản phẩm. Tôi mong phải tạo được những phong trào sôi nổi như phong trào “Ba sẵn sàng” thời chống Mỹ, để luôn cuốn hút thanh niên, khơi dậy được sự nhiệt tình cống hiến của thanh niên”, ông Trương Đình Tuyển trăn trở.
"Phải bắt dùng hàng nội"
Tại hội thảo bàn về phát triển thị trường nội địa diễn ra sáng 11/3/2009 tại TP.HCM, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia khẳng định: "Việt Nam chưa coi trọng đúng mức phát triển thị trường nội địa", trong khi các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và sẵn sàng đổ bộ vào chiếm lĩnh thị trường hơn 86 triệu dân này.
"Cạnh tranh không phải là làm ra, bán cái tốt nhất mà là tạo ra sự phù hợp. Phù hợp với khả năng doanh nghiệp, phù hợp với đối tượng khách hàng mà mình hướng tới, trên cơ sở đó tạo ra bản sắc riêng của doanh nghiệp", dẫn ý của bậc thầy về makerting thế giới Micheal Porter, ông Tuyển nói.
Ông Tuyển cũng cho rằng vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường nội địa, phải coi đầu tư vào hạ tầng thương mại là yêu cầu của sự phát triển, một chính sách kích cầu. Ông Tuyển đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích, thậm chí bắt buộc sử dụng hàng trong nước đã sản xuất được có chất lượng tương đương với hàng ngoại, nhất là trong chi tiêu từ ngân sách Nhà nước.
Giải pháp này không phải cấm hay phân biệt đối xử hàng ngoại, mà vị bộ trưởng có công đầu trong quá trình đàm phán đưa Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới nhấn mạnh, khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước chỉ bảo vệ sản xuất nội địa mà không vi phạm các quy định WTO.
"Hiện một số nước cũng đã áp dụng chính sách này, nhất là trong trường hợp mua sắm công, và Việt Nam chưa tham gia hiệp định mua sắm Chính phủ" - ông Tuyển nói.
"Điều hành giá xăng dầu: Đặt vấn đề sai nên mới lủng củng"
Tại hội thảo về kinh tế vĩ mô sáng 23/9/2011 tại TP.HCM, câu chuyện về điều hành giá xăng dầu là trọng tâm bàn luận.
Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh rằng, nói đưa giá điện, xăng dầu theo giá thị trường trong hoàn cảnh hiện nay là sai lầm. Trao đổi bên lề hội thảo, ông Tuyển cho rằng những lủng củng, rắc rối trong điều hành hiện nay là do đã sai ngay từ xuất phát điểm của vấn đề.
Ông Tuyển nói: “Nhiều người hiểu về giá thị trường không đúng. Nói đưa giá điện, xăng dầu theo giá thị trường là không chuẩn mực trong bối cảnh hiện nay. Giá thị trường là hình thành trên cơ sở cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và xác lập nên giá, do đó có tác dụng kìm giữ giá.
Trong khi ta hiện chỉ có một tập đoàn điện lực, và ba doanh nghiệp xăng dầu đầu mối chiếm đến 80% thị phần, thế thì làm thế nào mà thị trường được?
Chính vì đặt vấn đề không đúng, nên mới dẫn đến lủng củng, ở chỗ doanh nghiệp đòi theo giá thị trường, còn Nhà nước thì can thiệp vào việc đó.
Bài toán đặt ra trong hoàn cảnh hiện nay, chính là phải xóa bỏ bù lỗ về giá điện và xăng dầu, chứ không phải thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Muốn làm được thế thì phải tạo ra thị trường cạnh tranh. Có nhiều phương án để thực hiện điều này. Một phương án mạnh mẽ nhưng phức tạp về mặt kỹ thuật là chia nhỏ các tổng công ty xăng dầu ra. Song cũng có cái khó là nếu chia ngang thì không tạo ra thị trường cạnh tranh, còn chia dọc thì đường ống vận chuyển chính không thể chia ra được.
Phương án hai có thể chấp nhận được, là cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, họ sẽ dần dần tích tụ phát triển lên, còn lại ta nên tiếp cận xóa bỏ bù lỗ về điện và xăng dầu như tôi đã nói. Và đòi hỏi Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ, hoàn toàn minh bạch công khai, chứ không phải chỉ là nghe doanh nghiệp kêu ca”.
Theo Kiến Thức