Câu chuyện của tỷ phú Tông Khánh Hậu (Zong Qinghou) là ví dụ điển hình của câu nói thông minh và cần mẫn sẽ là tấm bằng giúp bạn đi nhanh hơn trên con đường sự nghiệp.
Sinh ra trong 1 gia đình nghèo có 5 anh chị em ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, từ nhỏ Tông Khánh Hậu không có điều kiện học hành đầy đủ. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ông phải bỏ dở việc học hành để đi kiếm tiền bằng cách làm việc ở trại muối Zhoushan.
Chuyển nhà tới Hàng Châu để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp, nhưng cha ông không tìm được công việc, cả nhà chỉ sống dựa vào đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi của mẹ ông.
Năm 1979, ông trở về quê nhà, tuy nhiên, do học vấn thấp nên Tông Khánh Hậu phải tiếp tục bươn trải với công việc vặt ở một trường học địa phương.
Ở tuổi 42, sau khi trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, Tông Khánh Hậu quyết tâm vay 140.000 NDT (khoảng 400 triệu đồng lúc bấy giờ) từ họ hàng để mua lại một cửa hàng từng làm ăn thất bát. Tại nơi này, ông mở cửa hàng rau quả đầu tiên của mình, cũng là bước đệm cho hành trình khởi nghiệp sau đó.
Nắm bắt được quy luật buôn bán, ông đổi sang việc bán sữa trẻ em và nước giải khát có gas với mong muốn thay đổi.
Năm 1987, Tông Khánh Hậu thành lập công ty Wahaha (tạm dịch Tiếng cười trẻ thơ) chuyên phân phối nước ngọt, kem và đồ dùng văn phòng.
Tháng 11/1988, Wahaha giới thiệu sản phẩm nước uống dinh dưỡng đầu tiên của Trung Quốc dành cho trẻ em.
Năm 1991, ông Tông Khánh Hậu huy động 236 triệu NDT để sáp nhập nhà máy Đồ hộp Hàng Châu và thành lập nên Tập đoàn Thực phẩm Wahaha.
Mặc dù đã có 38 nhà sản xuất chất dinh dưỡng dạng lỏng trên thị trường, nhưng chưa một ai hướng tới riêng đối tượng trẻ em như Wahaha. Vì thế, chiến dịch quảng cáo ban đầu đã gây chú ý với các bậc cha mẹ Trung Quốc và tạo nên một thành công rực rỡ.
Tông Khánh Hậu đã nhanh chóng thu về khoản lợi nhuận năm đầu lên tới 15.991 USD (khoảng 350 triệu đồng). Tại thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/50 con số ấy.
Lúc này, việc kinh doanh gặp trở ngại lớn, việc đầu tư mạo hiểm cùng việc thiếu kinh nghiệm trong quản lý dự án khiến Wahaha liên tiếp thất bại.
Năm 1996, Wahaha tham gia đàm phán cùng Danone để nhận vốn tài trợ. Wahaha rơi vào điểm hái ra tiền, trong 3 năm liên tiếp, Wahaha liên tục mở rộng thêm 40 công ty tại 22 thành phố cấp tỉnh khác nhau, biến nó thành một trong những công ty đồ uống lớn nhất ở Trung Quốc.
Con đường thành công của người đàn ông đã ngoài 50 tuổi không suôn sẻ bởi năm 2008, Tông Khánh Hậu từng bị điều tra về tội trốn thuế gần 43 triệu USD.
Tới năm 2011, Wahaha đã có doanh thu 11 tỷ USD, chiếm thị phần thứ 3 về đồ uống tại Trung Quốc, đứng sau Coca-Cola và thương hiệu Tingyi của Hong Kong. Năm 2013, ông được vinh danh "Doanh nhân tư nhân có đóng góp xuất sắc cho nền công nghiệp quốc gia".
Tới tháng 5/2020, Tông Khánh Hậu xếp thứ 38 trên danh sách 500 người giàu nhất thế giới với khối tài sản lên tới gần 20 tỷ USD (tương đương 461.000 tỷ đồng).
Thế nhưng, câu chuyện cuộc sống của vị tỷ phú này khá thú vị khi ông tiết lộ bản thân không thích dinh thự hay siêu xe mà chỉ thích uống trà.
Tông Khánh Hậu chia sẻ: "Tôi sống như thế đã quen rồi. Thuở hàn vi bữa no bữa đói, khi bắt đầu làm ăn cũng từng chịu không ít khổ cực. Từng đồng tiền có được đều do tôi vất vả làm ra, nhưng tôi không thích chi tiêu quá thoải mái".
Ông chỉ mua giày mới khi đôi đang đi đã cũ. Thứ xa xỉ nhất trên người ông là chiếc đồng hồ Vacheron Constantin giá 48.000 USD (khoảng 1,1 tỷ đồng), ông mua để thay chiếc Rolex cũ.
Chi tiêu cho cá nhân, có hai thứ Tông Khánh Hậu khá hào phóng, đó là mua sách và mua đồ uống.
Ở tuổi 62, ông Tông từng tiết lộ bản thân không tiêu hết 20 USD mỗi ngày, Tông Khánh Hậu thường dùng bữa trong nhà ăn ở công ty, dùng điện thoại loại "nghe-gọi" với giá 147 USD, chi tiêu hàng năm chưa bao giờ vượt quá 50.000 NDT (khoảng 170 triệu đồng).
Thanh Minh