Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã bày tỏ sự cởi mở với một ý tưởng từng được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất. Ông Trump, người đang tìm cách quay trở lại Nhà Trắng, đã kêu gọi Ukraine mua vũ khí thay vì nhận tài trợ vũ khí từ Mỹ.
Trang Bulgarian Military hôm 7/4 dẫn tờ Der Spiegel (Đức) cho biết, ban đầu ông Zelensky phản đối việc vay mượn để mua vũ khí từ Mỹ, nhưng những diễn biến gần đây đã báo hiệu sự thay đổi trong lập trường của nhà lãnh đạo Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình toàn quốc hôm 6/4, ông Zelensky cho biết ông tin rằng Quốc hội Mỹ cuối cùng sẽ phân bổ viện trợ bổ sung cho Ukraine, và Kiev sẽ đồng ý vay để mua vũ khí nếu không còn lựa chọn nào khác.
“Về viện trợ của Mỹ, dù thế nào nó cũng rất quan trọng. Tôi vẫn tin rằng chúng ta có thể nhận được một cuộc bỏ phiếu tích cực từ Quốc hội Mỹ. Thật không may, chúng ta gần như trở thành con tin trong tình huống này. Thật không may, vấn đề cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine giờ đã trở thành một vấn đề chính trị trong nước ở Mỹ, mặc dù đây là về an ninh thế giới. Và tôi không hiểu cách tiếp cận nửa vời này…”, Tổng thống Ukraine nói.
Ông Zelensky đồng thời cũng cho biết Ukraine sẵn sàng nhận tài trợ từ Mỹ dưới dạng cho vay.
“Một Thượng nghị sĩ Mỹ gần đây đã đến đây và nói: Các vị có đồng ý với một khoản vay không? Chúng tôi hỏi: Các lựa chọn là gì? Ông ấy nói: Sẽ thế nào nếu họ nói với các vị rằng số tiền này là một khoản vay, nếu không các vị sẽ không nhận được nó? Tôi nói: Những lựa chọn này là để làm gì nếu không có sự lựa chọn nào? Vì vậy, chúng tôi sẽ đồng ý với bất kỳ lựa chọn nào”, ông Zelensky kể.
Tình cảnh khó khăn
Tình hình trên chiến trường ngày càng khó khăn cho Ukraine khi các lực lượng Nga đang đạt được những bước tiến đáng kể. Theo ông Zelensky, Ukraine đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, và sự sống còn của nước này tùy thuộc vào bất kỳ thỏa thuận nào mà họ có thể đàm phán để giữ vững đường lối của mình.
Đối mặt với việc lựa chọn chấp nhận gói cho vay vũ khí ngay bây giờ hay nhận gói viện trợ miễn phí sau một năm nữa, nhà lãnh đạo Ukraine đang nghiêng về phương án trước, phản ánh tính cấp bách của tình hình.
Nhà lãnh đạo Ukraine nói: “Trên thực tế, nếu Ukraine phải chọn giữa được cung cấp mọi thứ dưới dạng một khoản vay ngay hôm nay, hoặc được cho mọi thứ miễn phí sau một năm nữa, chúng tôi sẽ chọn vế trước. Chúng tôi chỉ có một lựa chọn – sống sót và giành chiến thắng. Chúng tôi đang cố gắng thực hiện điều này (tìm kiếm viện trợ) theo nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng là: càng sớm càng tốt”.
Trong một thông báo gần đây, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh, đất nước ông cần tối thiểu 25 hệ thống phòng không Patriot, mỗi hệ thống có 6-8 khẩu đội. Theo nhà lãnh đạo, điều này là để bảo vệ hiệu quả không phận Ukraine khỏi các cuộc tấn công của máy bay Nga. Ông nhấn mạnh thêm rằng, cùng với Patriot, hệ thống phòng không IRIS-T của Đức cũng đã chứng tỏ được giá trị của mình trong cuộc chiến chống lại Moscow.
Ở tuyến đầu về phòng thủ, các lực lượng vũ trang Ukraine đang phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng. Hệ thống phòng thủ của họ thường bị đánh bại bởi sức mạnh không quân của Nga. Mọi con mắt ở Kiev đang hồi hộp chờ đợi lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên từ các đồng minh phương Tây xuất hiện.
Tuy nhiên, các quốc gia như Hà Lan và Đan Mạch, những nước đã cam kết hỗ trợ thông qua việc tặng máy bay F-16, lại tuyên bố rằng thời gian giao hàng phụ thuộc vào trình độ của các phi công Ukraine. Bất chấp hy vọng được đặt cược vào việc F-16 đến Ukraine sẽ mang lại điều tích cực, một số chuyên gia phương Tây cảnh báo rằng chỉ riêng những chiếc chiến đấu cơ này không thể làm nên chuyện.
“Lực bất tòng tâm”
Nếu Mỹ chọn cung cấp vũ khí cho Ukraine trên cơ sở cho vay – một quyết định dường như được Đảng Cộng hòa ủng hộ – thì Ukraine có thể rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Khả năng này càng trở nên sâu sắc hơn nếu Ukraine thất bại trong sứ mệnh đẩy lùi lực lượng Nga và đòi lại các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát, trong đó có Crimea.
Miền Đông, hiện do Nga kiểm soát, là trung tâm công nghiệp và năng lượng. Một cuộc phản công khác không thành công sẽ không chỉ khiến các vùng lãnh thổ không thể được lấy lại, mà còn tạo gánh nặng cho thường dân Ukraine với một món nợ khổng lồ, làm trầm trọng thêm mức sống vốn đã mong manh.
Nếu thực tế diễn ra theo đúng quan điểm của ông Trump rằng Ukraine nên mua chứ không phải được tặng vũ khí, đây sẽ là một “cú hích” cho chiến dịch tranh cử của vị tỷ phú này, và là một chiến thắng đáng kể cho ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Không có gì là ngạc nhiên nếu ông ấy tận dụng diễn biến này để làm lợi thế cho mình. Ông Trump có thể tuyên bố rằng ông ấy đã đúng từ đầu, và chính quyền Biden đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để tăng cường đáng kể doanh số bán vũ khí của Mỹ.
Điều may mắn cho Ukraine là ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tình cảm của châu Âu dành cho họ vẫn trước sau như một. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục ủng hộ kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine dưới dạng quyên góp, thay vì mua bán. Các quốc gia châu Âu đã có ý định mở rộng năng lực công nghiệp quốc phòng để sản xuất không dưới 1 triệu quả đạn pháo.
Điều không may là châu Âu có thể ở trong tình trạng “lực bất tòng tâm”, không đủ năng lực để sản xuất số lượng đáng kể như vậy trong khung thời gian quy định. Tệ hơn, Đức đã tuyên bố rằng họ sẽ không cung cấp cho Kiev tên lửa không đối đất tầm xa Taurus. Hơn nữa, việc thiếu các hợp đồng với chính phủ đã cản trở việc sản xuất loại tên lửa này.
Minh Đức (Theo Bulgarian Military, Ukrainska Pravda)