Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở EU ở Brussels vào ngày 19/12/2024. Ảnh: AFP.
Ukraine đã chính thức ngừng trung chuyển khí đốt Nga kể từ ngày 1/1. Kiev từng nhiều lần tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận vì không muốn Nga có thêm nguồn tài chính cho cuộc xung đột.
“Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền cách đây hơn 25 năm, khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu hàng năm qua Ukraine lên tới 130 tỷ m3. Ngày hôm nay, con số này đã giảm về mức 0. Đây là một trong những thiệt hại lớn nhất của Nga”, ông Zelensky nói.
Ông Zelensky cáo buộc Nga biến năng lượng thành vũ khí, nói Nga đã mất đi thị trường hấp dẫn và dễ tiếp cận nhất về mặt địa lý, ám chỉ châu Âu.
Theo ông Zelensky, hầu hết các nước châu Âu "đã thích nghi" với việc ngừng nhập khẩu khí đốt Nga. Tổng thống Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây hỗ trợ Moldova, quốc gia phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung cấp của Nga và giúp quốc gia này chuyển đổi sử dụng năng lượng.
Ông Zelensky tin rằng nguồn cung cấp khí đốt của Mỹ và các đối tác khác sẽ khiến giá thị trường năng lượng có chuyển biến tích cực hơn.
"Càng có nhiều khí đốt được các đối tác bơm vào thị trường thì hệ quả của sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga sẽ càng sớm được giải quyết”, ông Zelensky nói, đề cập một số nước châu Âu vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng Nga.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban và người đồng cấp Slovakia Robert Fico nằm trong số những lãnh đạo châu Âu phản đối mạnh mẽ nhất quyết định của Ukraine về việc dừng trung chuyển khí đốt Nga.
Trong thông điệp năm mới, ông Fico nói việc dừng vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sẽ gây ra "hậu quả nghiêm trọng" cho Liên minh châu Âu (EU), nhưng không phải cho Nga. Ông Fico cảnh báo giá khí đốt và điện ở châu Âu sẽ tăng sau diễn biến mới này.
Trong khi EU đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhiều quốc gia như Slovakia và Hungary, vẫn phụ thuộc đáng kể vào khí đốt Nga.
Slovakia có hợp đồng dài hạn với công ty năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga và ước tính các thỏa thuận thay thế có thể khiến nước này tiêu tốn thêm 220 triệu euro chi phí nhập khẩu khí đốt.
Đăng Nguyễn - Kyiv Independent