Gói viện trợ trị giá 95 tỷ USD, bao gồm 61 tỷ USD cho Ukraine, mà Hạ viện Mỹ “bật đèn xanh” hồi cuối tuần qua, sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ vào ngày 23/4.
Trong cuộc điện đàm hôm 22/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đảm bảo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng hàng viện trợ sẽ nhanh chóng được chuyển giao ngay sau khi dự luật được Thượng viện thông qua và đến Phòng Bầu dục để ông ký ban hành.
Trong khi Nhà Trắng cung cấp rất ít thông tin chi tiết về cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống, ông Zelensky đã chỉ ra rằng Kiev sẽ nhận được những quả tên lửa có tầm bắn xa hơn.
Tờ Kyiv Independent dẫn lời Tổng thống Zelensky cho biết sau cuộc điện đàm của ông với ông Biden hôm 22/4 rằng, Ukraine đã “chốt” thỏa thuận về tên lửa tầm xa ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân) với Mỹ.
Mỹ lần đầu tiên giao tên lửa ATACMS cho Ukraine vào tháng 10 năm ngoái, sau nhiều tháng cân nhắc. Những quả tên lửa được đưa đến tiền tuyến thuộc phiên bản cũ hơn, với tầm bắn 165 km. Các biến thể mới hơn của ATACMS có tầm bắn tối đa khoảng 300 km và cho đến nay vẫn chưa được cung cấp cho Ukraine.
Hồi cuối tháng 2, NBC News đưa tin rằng Nhà Trắng sẵn sàng cung cấp cho Kiev các biến thể tên lửa ATACMS tầm xa hơn nếu Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới.
Theo Kyiv Independent, sau cuộc gặp với phái đoàn lưỡng đảng của Mỹ, ông Zelensky đã nêu đích danh 4 ưu tiên của Ukraine, bao gồm phòng không, pháo binh hiện đại, khả năng tầm xa và tốc độ giao hàng nhanh chóng.
“Kết quả hôm nay là, trong các thỏa thuận về ATACMS dành cho Ukraine, tất cả các chi tiết đã được chốt. Cảm ơn ngài Tổng thống, cảm ơn Quốc hội, cảm ơn nước Mỹ”, ông Zelensky cho biết trong bài phát biểu video hàng đêm của mình hôm 22/4.
Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Warner hôm 21/4 cho biết rằng các lô hàng bao gồm hệ thống tên lửa tầm xa có thể sẵn sàng được giao trong vòng vài ngày.
Ukraine tiếp tục thúc ép các đồng minh phương Tây về vũ khí tầm xa, bao gồm cả phiên bản mới hơn của ATACMS, nhưng phải đối mặt với sự do dự về việc cung cấp vũ khí có khả năng được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga, tờ Kyiv Independent cho biết.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan bày tỏ lo ngại vào năm 2022 rằng việc cung cấp ATACMS có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga đến mức có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới khác.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản đối việc gửi tên lửa Taurus của Đức tới Kiev vì ông lo ngại động thái này sẽ lôi kéo Berlinvào cuộc chiến. Ukraine đã nhận được các tên lửa tầm xa khác, như Storm Shadow từ Anh và SCALP do Pháp sản xuất.
Phản ứng với thông tin Hạ viện Mỹ phê duyệt gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 20/4 cho biết, điều này sẽ chỉ dẫn đến nhiều thiệt hại và thương vong hơn trong cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu.
Minh Đức (Theo Kyiv Independent, RT)