Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 21/7 đã đổ lỗi cho phương Tây về sự chậm trễ trong việc Kiev triển khai kế hoạch phản công mùa xuân. Theo ông Zelensky, sự do dự của Mỹ và EU trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng và huấn luyện cho Ukraine đã mang lại cho Nga “nhiều thời gian hơn mức cần thiết” để củng cố các phòng tuyến của họ.
Mới là những ngày đầu tiên
“Chúng tôi đã lên kế hoạch bắt đầu nó (cuộc phản công) vào mùa xuân, nhưng thành thật mà nói, chúng tôi đã không thực hiện được vì chúng tôi không có đủ đạn dược và vũ khí cũng như không đủ các lữ đoàn được đào tạo bài bản – ý tôi là, được đào tạo bài bản về những loại vũ khí này”, ông Zelensky cho biết trong bài phát biểu video tại Diễn đàn An ninh Aspen (ASF) diễn ra ở Colorado, Mỹ, từ ngày 18-21/7.
“Bởi vì chúng tôi bắt đầu phản công muộn hơn một chút… nó đã giúp Nga có thời gian để rải mìn tất cả các vùng đất của chúng tôi và xây dựng một số tuyến phòng thủ”.
Những bình luận mới nhất của ông Zelensky về cuộc phản công bắt đầu từ hồi đầu tháng 6 của Ukraine nhằm tái chiếm các vùng lãnh thổ từ tay quân đội Nga được đưa ra chỉ vài tuần sau khi nhà lãnh đạo Ukraine công khai bày tỏ không hài lòng với lời hứa mơ hồ của NATO với đất nước của ông về tư cách thành viên liên minh này, vốn đã tạo ra một đám mây đen bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva.
Trong bài phát biểu vào ngày cuối cùng của diễn đàn an ninh quốc tế thường niên ASF, ông Zelensky cũng cảnh báo phương Tây chớ có quá kỳ vọng về kết quả của cuộc phản công.
“Ukraine không lùi bước. Chúng tôi đang dần dần giải phóng các lãnh thổ của mình, điều này rất quan trọng”, ông Zelensky nói.
“Tuy nhiên tôi tin rằng chúng tôi đang tiến gần đến thời điểm mà các hành động liên quan có thể tăng tốc. Tôi hiểu rằng sẽ tốt hơn nếu thấy rằng chiến thắng đến sớm hơn. Đây cũng là điều chúng tôi muốn. Nhưng câu hỏi đặt ra là cái giá của chiến thắng này”, nhà lãnh đạo Ukraine nói. “Vì vậy, chúng ta đừng ném người khác vào gầm xe tăng, theo đúng nghĩa đen. Hãy lên kế hoạch phản công như các nhà phân tích và tình báo của chúng tôi gợi ý”.
Các quan chức Mỹ và châu Âu đã cố gắng cho thấy rằng họ hiểu những nỗ lực của Ukraine trong bối cảnh có những lo lắng ở cả đôi bờ Đại Tây Dương rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội “xứ cờ hoa” sẽ chùn bước trong việc ủng hộ Ukraine khi mùa bầu cử năm 2024 diễn ra.
“Hãy nhìn xem, đây mới là những ngày đầu tiên. Chúng tôi đã nói ngay từ đầu, chúng tôi đã biết ngay từ đầu rằng điều này sẽ diễn ra một cách khó khăn”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trước đó hôm 21/7. “Người Nga đã triển khai những biện pháp phòng thủ quan trọng và nghiêm túc với những bãi mìn. Người Ukraine đang tìm cách vượt qua điều đó. Tôi tin rằng họ có những gì họ cần để thành công”.
Chờ kết quả thực sự
Phần lớn vũ khí hạng nặng của phương Tây đến tiền tuyến muộn hơn nhiều so với những gì các quan chức Ukraine hy vọng ban đầu. Chẳng hạn, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối cho phép chuyển giao xe tăng Leopard cho đến khi ông Biden cam kết chuyển giao xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất.
Những cuộc đàm phán kéo dài về Leopard chỉ mới kết thúc hồi tháng 1 – vài tuần sau khi Pháp và Anh công bố các quyết định tương ứng của họ về việc cung cấp xe tăng hạng nhẹ và hạng nặng do NATO thiết kế, và gần một năm sau khi ông Zelensky bắt đầu “lời cầu xin” viện trợ xe tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác để chuẩn bị cho cuộc đụng độ hiện nay với Nga.
Thượng nghị sĩ James Risch (Đảng Cộng hòa) – thành viên cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ, lập luận rằng Mỹ có “nghĩa vụ đạo đức và chiến lược” về hỗ trợ Ukraine theo Bản ghi nhớ Budapest. Thỏa thuận ký kết năm 1994 đã chứng kiến Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ mà nước này được thừa hưởng từ Liên Xô để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, Nga và Vương quốc Anh.
Ông Risch cho rằng chính quyền của Tổng thống Biden đáng ra nên “vũ trang đến tận răng” cho Ukraine từ một năm trước, thay vì hỗ trợ nhỏ giọt với lập luận đề phòng bị Nga trả đũa.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã bác bỏ những chỉ trích trên. “Chúng tôi đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro, và chúng tôi sẽ tiếp tục sẵn sàng chấp nhận rủi ro để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine”, ông Sullivan nói.
Vị quan chức Mỹ lập luận: “Mọi thành viên của NATO và Mỹ đều có trách nhiệm phải suy nghĩ về phản ứng của Nga khi chúng ta chọn làm điều gì đó, vì điều đó quan trọng đối với an ninh của chúng ta và sự ổn định toàn cầu. Vì vậy, hãy xem xét và sau đó đưa ra quyết định phù hợp. Đó là cách rõ ràng và có hệ thống mà chúng tôi đã và đang làm khi nói đến hỗ trợ an ninh cho Ukraine”.
Ông Sullivan cũng bảo vệ cách tiếp cận của chính quyền Biden, rằng điều này vẫn giúp Ukraine có tiềm năng mạnh mẽ để mang lại một bước đột phá lớn.
“Ukraine có một lượng đáng kể sức mạnh chiến đấu mà họ chưa tung ra, và họ đang cố gắng chọn thời điểm để đưa sức mạnh chiến đấu đó vào cuộc chiến, khi nó có tác động tối đa trên chiến trường”, ông Sullivan nói. “Và chúng tôi đang tham vấn chặt chẽ với người Ukraine về các điều kiện cho việc đó. Nhưng cuối cùng, đó là quyết định mà họ sẽ đưa ra, và chính tại thời điểm đó... chúng ta sẽ thấy kết quả thực sự có thể xảy ra của cuộc phản công này là gì”.
Minh Đức (Theo Washington Examiner, Reuters)