Có 7 mẫu ốp lưng điện thoại từ 5 thương hiệu là Apple, Xiaomi, Tiya, Yuening và Q-Guo không vượt qua được cuộc điều tra của SCC. Và, kết quả cho thấy, các sản phẩm này có chứa chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn châu Âu. Trong khi Xiaomi cho rằng tại Trung Quốc không cần áp dụng tiêu chuẩn châu Âu cho vỏ điện thoại thân thiện với trẻ nhỏ.
SCC ngay lập tức đã bác bỏ luận cứ này và cho rằng ốp lưng điện thoại cần được sản xuất với tiêu chuẩn cao hơn vì trẻ em thường hay cắn sản phẩm này. Xiaomi đã phản hồi lại kết luận của SCC trong một thông báo ngày 13/04. Theo đó, Xiaomi nói tiêu chuẩn châu Âu mà SCC đưa ra chỉ dùng cho bộ đồ ăn và đồ gia dụng của trẻ nhỏ mà thôi.
Tiếp đó, thương hiệu này tuyên bố, ốp lưng của hãng an toàn với người sử dụng dựa trên 15 chỉ số đo kiểm. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường smartphone lớn nhất trên thế giới với doanh số 450 triệu chiếc điện thoại trong năm 2017. Vì thế, số lượng ốp lưng điện thoại được tiêu thụ mỗi năm cũng rất lớn.
Báo cáo của SCC cho biết, trong các ốp lưng điện thoại bị điều tra, những chất độc hại được tìm thấy là chì, phụ gia làm dẻo và hydrocarbon thơm đa vòng. Những chất này có thể phá hủy nội tạng của người tiếp xúc, thậm chí còn có thể gây ung thư.
Trong ốp lưng của Xiaomi, SCC cho biết lượng phụ gia làm dẻo cao gấp 170 lần tiêu chuẩn châu Âu. Còn ốp lưng của Apple có lượng hydrocarbon thơm đa vòng cao gấp 50 lần tiêu chuẩn an toàn. Xiaomi đã đưa ra phản hồi, Apple vẫn chưa có bình luận nào về kết luận của SCC.
Đáng nói là các mẫu ốp lưng có vấn đề đều được bán qua các kênh ủy quyền chính hãng tại Trung Quốc. Trong số 30 mẫu ốp lưng được SCC điều tra, có 23 đạt tiêu chuẩn an toàn, Huawei và Vivo nằm trong số này.