Hồi đầu tuần trước, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu tăng vọt lên 124 USD/thùng. Tính đến ngày 5/6, theo dữ liệu của Trading Economics, dầu Brent được giao dịch quanh ngưỡng 121 USD/thùng.
Giá dầu giảm nhẹ phần lớn do các nhà đầu tư tin rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) bơm thêm dầu. Tại cuộc gặp trực tuyến vừa rồi, nhóm OPEC+, bao gồm các thành viên của OPEC và 10 nước xuất khẩu dầu khác nữa trên thế giới, đã đồng ý sẽ tăng sản lượng dầu từ mức độ 432 thùng lên 648.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 và một lượng tương tự vào tháng 8.
Như vậy, nhóm này quyết định tăng mức độ khai thác và xuất khẩu dầu hàng ngày nhanh hơn dự định được thông qua ở lần gặp trước hồi cuối năm ngoái. Nếu theo dự định ấy thì việc tăng mức độ này sớm nhất cũng phải đến tháng 9 tới mới được quyết định.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại giá năng lượng cao hơn có thể làm chậm nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, giá dầu và khí đốt cao đã góp phần gây ra lạm phát ở Mỹ, châu Âu và làm tiêu hao sức mua của người tiêu dùng.
OPEC+ biện luận cho quyết định mới nói trên bằng nhận định cho rằng, nhu cầu tiêu dùng dầu lửa của các nền kinh tế và của người dân ở mọi nơi trên thế giới tăng cao sau khi dịch bệnh đã bị đẩy lùi rõ rệt ở đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sự gia tăng này của nhu cầu tiêu dùng dầu lửa được phản ánh ở sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung và ở mặt bằng giá cả nhiên liệu cao tại các nơi trên thế giới. Chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina cũng tác động khiến giá dầu lửa trên thị trường thế giới gia tăng.
OPEC+ đã từ từ đưa ra lại thị trường gần 10 triệu thùng mỗi ngày mà họ đã quyết định cắt giảm từ tháng 4/2020. Trong những tháng gần đây, sản lượng của OPEC+ đã tăng từ 400.000 lên 432.000 thùng mỗi ngày.
Quyết định được OPEC+ đưa ra khi thế giới đang vật lộn với giá năng lượng tăng cao. Các chính phủ, bao gồm cả chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã kêu gọi các nhà sản xuất tăng sản lượng trong nỗ lực kiềm chế tăng giá.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, chính quyền Mỹ hoan nghênh quyết định của OPEC+.
"Chúng tôi ghi nhận vai trò của Ả Rập Saudi với tư cách là chủ tịch của OPEC+ và nhà sản xuất lớn nhất trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên nhóm", bà Karine Jean-Pierre nói và cho biết thêm rằng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng tất cả sức ảnh hưởng của mình để giải quyết áp lực về giá năng lượng.
OPEC+ cũng quyết định cuộc họp nhóm tiếp theo vào ngày 30/6. Tuyên bố của OPEC+ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và cân bằng của thị trường.
Quốc Tiệp (t/h)