Cái bóng của cha
Ngày 31/1, một thẩm phán đã ra quyết định bắt giữ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, người đã bị phế truất ngày 10/3 do vi phạm hiến pháp và can thiệp vào công việc kinh doanh của các tập đoàn kinh tế.
Từ lâu, bà Park là biểu tượng cho phe bảo thủ Hàn Quốc. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, bà từng cam kết sẽ làm sống dậy “kỳ tích sông Hàn” của cha mình. Đó là thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại Hàn Quốc bằng cách kết hợp tài nguyên của quốc gia với các công ty gia đình được gọi là chaebol (nghĩa đen là “những tập đoàn gia đình giàu có”). Đổi lại, họ sẽ mạnh tay đóng góp cho chính trường thông qua các chính trị gia. Truyền thống đó chính là rào cản đối với nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á cũng là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của bà Park.
“Nếu không có Park Chung-hee (cha của bà Park), sẽ không có bà Park Geun-hye mà chúng ta biết hôm nay. Nhưng bà ấy không nhận ra bà ấy đã sống trong một thời đại khác, nơi mà người ta ý thức rõ ràng về sự lãnh đạo của chính phủ và sẽ không để bị dẫn dắt bởi một người hành động như công chúa trong hoàng gia”, Park Tae-woo, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul nhận định.
Tuổi thơ bên những hành lang quyền lực
Nữ Tổng thống 65 tuổi nói rằng bà không nhận một xu nào từ số tiền mà các công ty như Samsung đóng góp vào quỹ mà người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil kiểm soát. Dù vậy, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc vẫn quyết định luận tội bà vì những hành động “bất hợp pháp và vi hiến” khi ép buộc những công ty phải nộp tiền.
Trong vài tuần lễ tới, các công tố viên sẽ chính thức truy tố bà Park. Số phận của bà sẽ được định đoạt cùng thiếu gia của tập đoàn Samsung Jay Y.Lee, người được cho là đã đút lót cho bà Choi để được chính phủ “bảo kê” cho thương vụ hợp nhất vào năm 2015, giúp ông củng cố quyền kiểm soát với tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Tuy nhiên, Lee đã phủ nhận mọi cáo buộc.
Phần lớn cuộc đời, bà Park sống ở những hành lang quyền lực. Khi còn là một đứa trẻ, Park Geun-hye sống trong Nhà Xanh, sau khi cha của bà lãnh đạo thành công một cuộc đảo chính vào năm 1961. Tới những năm bà 20 tuổi, Park Geun-hye trở thành đệ nhất phu nhân khi mẹ bà thiệt mạng trong một cuộc ám sát nhằm vào cha bà.
Suốt thời thơ ấu của bà Park, Hàn Quốc đi lên từ một quốc gia kiệt quệ cố gắng phục hồi sau Chiến tranh Triều Tiên, trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu châu Á. Bà Park là người theo dõi toàn bộ quá trình cựu Tổng thống Park Chung-hee kiểm soát các nghiệp đoàn cũng như tự do báo chí, đồng thời nâng đỡ cho những công ty ủng hộ ông.
Cuộc sống bà Park bắt đầu thay đổi vào năm 1979, khi cha bà bị ám sát bởi người đứng đầu lực lượng tình báo Hàn Quốc khi đó. Park Geun-hye rời khỏi Nhà Xanh và tiếp quản quỹ từ thiện dành cho trẻ em mà mẹ bà đã gây dựng.
Thời điểm này chính là lúc Park Geun-hye có quan hệ sâu sắc với Choi Soon-sil. Mối quan hệ giữa hai người gây ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị của bà Park. Những hậu quả đầu tiên xảy đến vào năm 1990 khi bà Park phải từ bỏ chức vụ tại quỹ trẻ em nói trên do những cáo buộc rằng bà đã để cha của bà Choi, một nhà lãnh đạo tôn giáo, can thiệp vào hoạt động của quỹ.
Sau đó, bà Park tham gia hoạt động chính trị. Bà trở thành nghị sĩ vào năm 1998 từ Daegu, một thành phố giàu có lớn thứ 4 Hàn Quốc. Năm 2002, bà tới Triều Tiên gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Il, khiến danh tiếng của bà được tăng lên rõ rệt.
Lần đầu tiên tham gia tranh cử Tổng thống vào năm 2007, mối quan hệ giữa bà Park và cha của bà Choi đã trở thành vấn đề được mang ra tranh luận. Park Geun-hye phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào từ ông Choi, đồng thời cảm ơn ông vì đã giúp đỡ bà trong những thời điểm “khó khăn”. Bà Park đã thua cuộc trong kỳ bầu cử năm đó.
Rơi vào vòng lao lý
Năm năm sau, điều kiện kinh tế tại Hàn Quốc là đòn bẩy cho sự vươn lên của bà Park. Những thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, khi chất lượng cuộc sống của người dân Hàn Quốc đi xuống là lúc người ta cảm thấy cần một nhân vật giống ông Park Chung-hee, vốn được coi là “vị cứu tinh” của nền kinh tế Hàn Quốc. Người ta nhớ tới và quay sang ủng hộ con gái ông, bà Park Geun-hye.
Khi trở thành Tổng thống, dù bà Park cố gắng loại bỏ các quy định kinh doanh gây khó dễ cho các doanh nghiệp cũng như tăng cường các thỏa thuận thương mại với nước ngoài trong suốt 4 năm cầm quyền nhưng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc vẫn chững lại.
Khi ấy, nữ Tổng thống 65 tuổi phải đối mặt với những chỉ trích dai dẳng rằng chính sách kinh tế của bà hầu như không có kết nối với người dân Hàn Quốc, đặc biệt là phần lớn những thanh niên thất nghiệp.
Rồi nữ Tổng thống bị dính vào vụ bê bối với người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil. Báo chí đưa tin về những vụ hối lộ, các công tố viên vào cuộc điều tra. Hồi tháng 10/2016, bà thừa nhận rằng đã để bà Choi can thiệp vào các công việc nhà nước, và cúi đầu xin lỗi toàn thể nhân dân.
Nhưng hành động của bà không làm nguôi ngoai sự giận dữ của công chúng Hàn Quốc. Tín nhiệm của nhân dân dành cho bà sụt giảm nhanh chóng, ở mức dưới 4%. Hàng triệu người đã xuống đường biểu tình trên khắp cả nước, yêu cầu bà Park từ chức. Đó được coi là những cuộc tuần hành lớn nhất tại Hàn Quốc kể từ năm 1987. Quốc hội đã đề nghị luận tội bà Park Geun-hye vào tháng 12 năm ngoái, và Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc cũng đã ủng hộ quyết định trên vào hồi đầu tháng 3.
“Lịch sử đau đớn”
Vào ngày 9/5 tới, theo dự kiến, Hàn Quốc sẽ bỏ phiếu để tìm ra Tổng thống mới. Ông Moon Jae-in, một ứng viên Tổng thống, nói rằng việc giam giữ bà Park giúp làm sạch hình ảnh của Hàn Quốc và đưa phần “lịch sử đau đớn” của Hàn Quốc sang một trang mới. Trong khi đó, ông Hong Joon-pyo, ứng viên đảng Tự do Hàn Quốc, kêu gọi mọi người tha thứ cho cựu Tổng thống bị phế truất.
Kể từ cái chết của cha bà Park năm 1979, hầu như vị Tổng thống nào của Hàn Quốc hoặc các thành viên gia đình họ đều phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng hoặc phải vào tù. Cựu Tổng thống Roh Moo-hyun đã nhảy xuống vách núi tự tử sau khi các công tố viên bắt đầu điều tra về những cáo buộc ông nhận hối lộ.
Giáo sư Gilles Hilary tại Đại học Kinh tế McDonough (bang Georgetown, Mỹ) cho rằng, bất chấp sự giận dữ của công chúng, việc chia tách quan hệ giữa các chaebol và các nhà lãnh đạo chính trị là không hề dễ dàng.
“Mối liên hệ giữa nhà nước và các chaebol là rất sâu sắc, rất khó để chúng biến mất trong một sớm một chiều”, giáo sư kết luận.
Xem thêm: Bà Park Geun-hye có thể đối mặt án tù chung thân
Danh Tuyên (Theo Bloomberg)