Ngày 5/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019.
Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp. Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.
Báo cáo PCI 2019 cho thấy, tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng năm thứ ba liên tiếp là Quảng Ninh (73,40 điểm).
Nằm trong nhóm 3 tỉnh thành phố đứng đầu PCI 2019 còn có tỉnh Đồng Tháp (72,10 điểm) và tỉnh Vĩnh Long (71,30 điểm). Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng PCI 2019 với 72,10 điểm, tăng 1,91 điểm so với năm 2018.
Vĩnh Long lọt vào vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng PCI 2019 nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính tại địa phương (điểm chỉ số chi phí thời gian tăng 1,01 điểm) và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường (tăng 0,99 điểm).
Nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2019 có sự trở lại của Bắc Ninh (70,79 điểm, vị trí thứ 4) và TP Hải Phòng (68,73 điểm, vị trí thứ 10).
Thủ đô Hà Nội xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng này với 68,80 điểm. Dưới đó là TP Hồ Chí Minh với 67,16 điểm, xếp thứ 14.
Báo cáo đã cho thấy một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực…
Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các địa phương vẫn phải cải thiện hơn trong việc tăng cường minh bạch thông tin đấu thầu, mua sắm công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư…
Năm vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải bao gồm: Tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%).
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn.
Hoàng Mai