Tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 sáng 11/4, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, điểm số và thứ hạng là một nội dung nổi bật trong báo cáo hàng năm nhưng đóng góp quan trọng nhất của PCI là cung cấp một bức tranh toàn cảnh về thực trạng cũng như xu hướng của các khía cạnh điều hành kinh tế cấp tỉnh.
PCI 2022: Quảng Ninh giữ ngôi vương, Hà Nội và Tp.HCM không lọt top 10
Báo cáo PCI 2022 cũng nêu bật 6 xu hướng đáng chú ý về chất lượng hiều hành cấp tỉnh.
Theo ông Công, điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 đó là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ 6 liên tiếp.
Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực khi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật, song các doanh nghiệp vẫn báo cáo tình trạng phiền hà của một số lĩnh vực chủ chốt.
Báo cáo PCI 2022 nêu rõ, các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).
Xu hướng thứ 3, theo ông Công, chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở ngành và cấp huyện còn nhiều không gian để cải thiện. Nếu như năm 2021, khoảng 31,9% doanh nghiệp đánh giá “các sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố” thì giá trị này đã tăng lên mức 45,2% trong năm 2022.
Việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch. Ông Công cho biết, dù vẫn chưa đạt đến mức độ “dễ dàng” tiếp cận với số đông doanh nghiệp nhưng xu hướng theo thời gian cho thấy những trở ngại đang dần được gỡ bỏ với doanh nghiệp khi tiếp cận các loại thông tin, tài liệu này.
Theo đó, những tài liệu khó tiếp cận nhất với doanh nghiệp lần lượt là bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất, các kế hoạch đầu tư công, chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương và kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Đây đều là các loại thông tin tài liệu phải công khai theo quy định nhưng trên thực tế hầu như chưa được cung cấp một cách đầy đủ, rõ ràng bởi các địa phương.
Các điểm chưa được như kỳ vọng là tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.
Tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm. Khảo sát PCI 2022 cho thấy khoảng 42,6% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức, giảm khoảng 23 điểm phần trăm so với kết quả trong khảo sát PCI 2016.
Một dấu hiệu đáng lo ngại là tỉ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại gia tăng đáng kể, từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022.
Đáng chú ý, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Vấn đề các doanh nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc, thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai thường xuyên kéo dài hơn so với quy định.
Cụ thể, thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất (60,81%). Những vướng mắc phổ biến khác gồm tình trạng mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất (30,02%), quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định (29,31%), hoặc không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính (29,15%)....