Petroland khi nào thôi kinh doanh kiểu “xẻ thịt ăn dần”?

Petroland khi nào thôi kinh doanh kiểu “xẻ thịt ăn dần”?

Trương Thị Thanh Hương

Trương Thị Thanh Hương

Thứ 6, 05/01/2018 07:03

Nhiều năm liên tiếp, công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng & Đô thị Dầu khí - Petroland thoát thua lỗ cả năm vào phút chót. Đáng nói, kết quả này lại hoàn toàn không đến từ hoạt động kinh doanh chính.

"Vị cứu tinh" quý 4

Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland, mã chứng khoán: PTL) vừa quyết định thông qua việc bán toàn bộ phần vốn góp tại công ty Cổ phần đầu tư Hạ tầng Dầu khí Nha Trang (INT) cho công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG). Theo đó, Petroland sẽ chuyển nhượng toàn bộ 19,6 triệu cổ phần tại INT với giá 11,519 đồng/cp. Tổng giá trị chuyển nhượng theo đó ước tính gần 226 tỷ đồng.

Trước đó, Địa ốc Đất Xanh cũng đã có nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) thông qua việc sẽ đấu giá mua 28,65 triệu cổ phiếu (90,83% vốn điều lệ của INT) theo phương thức đấu giá. Mục đích là nhằm nhận quyền phát triển dự án sân golf và biệt thự sinh thái tại Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Được biết, Petroland thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ ban Quản lý các dự án công trình xây dựng phía Nam thành công ty cổ phần theo nghị quyết của HĐTV tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2007. Công ty hiện có trụ sở tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM; lĩnh vực hoạt động kinh doanh là kinh doanh bất động sản, thương mại và dịch vụ.

Trở lại thương vụ chuyển nhượng nói trên, thực tế đây không phải lần đầu Petroland bán vốn tại dự án bất động sản cho Địa ốc Đất Xanh. Tháng 11/2016, Petroland cũng đã chuyển nhượng gần 80% cổ phần của CTCP Đầu tư Dầu khí Thăng Long cho DXG với giá 11,273 đồng/cp, tương đương giá trị chuyển nhượng là hơn 450 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2016, Đầu tư Dầu khí Nha Trang và Đầu tư Dầu khí Thăng Long là 2 trong 3 đơn vị có hoạt động kinh doanh thua lỗ của Petroland. Đầu tư Dầu khí Thăng Long là công ty liên doanh được thành lập bởi 2 cổ đông chính là Petroland và công ty TNHH bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh nhằm thực hiện dự án khu nhà ở Chung cư cao tầng tại Phước Long B, quận 9, TP.HCM với quy mô 2.174 tỷ đồng, thực hiện trên khu đất 61.562m2.

Về phần Petroland, kể từ khi thành lập năm 2007, công ty này đã kinh doanh không mấy thuận lợi. Quý 4/2014, đối mặt với rủi ro hủy niêm yết bắt buộc nếu lỗ 3 năm liên tiếp, Petroland bỗng thoát lỗ nhờ tiền thu từ phạt hợp đồng. Kịch bản "quý cứu tinh" vẫn tiếp tục cho những năm sau đó.

Lao đao năm này qua năm khác

Sở hữu số vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng cùng nhiều bất động sản nhưng kể từ khi đi vào hoạt động năm 2017, Petroland đã lao đao năm này qua năm khác. Theo báo cáo tài chính quý 3/2017, doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt 10,4 tỷ đồng, tương đương mức cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán là hơn 8 tỷ, chiếm gần 80% doanh thu thuần nên lãi gộp chỉ còn hơn 2,3 tỷ. Tuy chi phí tài chính chỉ còn hơn 216 triệu, bằng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới hơn 6,7 tỷ đồng dẫn đến kết quả PTL lỗ ròng hơn 4,5 tỷ đồng trong quý 3. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2017, Petroland lỗ ròng hơn 41 tỷ đồng.

Cũng trên báo cáo tài chính quý 3, Petroland ghi nhận khoản góp vốn 62,19% trên tổng vốn điều lệ 315,4 tỷ đồng của INT. Công ty này cũng ghi nhận gần 279 tỷ đồng các khoản trả phải nộp khác, trong đó ghi nhận khoản nợ TCT CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) số tiền 60,6 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Petroland đã vay để nhận 5,6 triệu cổ phần INT. PVC cũng là đơn vị góp 360 tỷ đồng, tương đương 36% vốn điều lệ của Petroland.

Bất động sản - Petroland khi nào thôi kinh doanh kiểu “xẻ thịt ăn dần”?

Kết quả kinh doanh nhiều năm qua của Petroland 

Các cổ đông PTL ắt chẳng còn lạ gì với kết quả bết bát này. Tuy nhiên, có một điều bất ngờ, những năm gần đây, Petroland luôn thoát lỗ vào phút chót. Liên tiếp từ năm 2014 đến năm 2016, quý 4 luôn là quý cứu tinh của công ty "họ dầu khí" này. Đáng nói, kết quả kinh doanh của quý này lại hoàn toàn không đến từ hoạt động kinh doanh chính.

Cụ thể, khi kết thúc quý 3/2014, Petroland vẫn ôm khoản lỗ lũy kế 3 quý đầu năm hơn 14 tỷ đồng và đối mặt với rủi ro hủy niêm yết bắt buộc khi 2 năm trước đó, công ty này đều thua lỗ. Tuy nhiên đến quý 4/2014, PTL bỗng thoát khỏi "bản án" này khi mang về lợi nhuận từ thu phạt hợp đồng đủ giúp cả năm thoát lỗ. Năm 2015, câu chuyện lại được lặp lại khi PTL lỗ liên tiếp 3 quý đầu và đột biến có lãi trong quý 4 nhờ bàn giao dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú. Năm 2016 sau đó cũng diễn biến tương tự với 3 quý đầu lỗ trầy trật và quý 4 lãi cứu cả năm. Khoản lãi này có được cũng không nhờ từ hoạt động kinh doanh chính của công ty.

Nhìn lại năm 2017 với 3 quý đầu lỗ liên tiếp và thương vụ chuyển nhượng vừa được xác nhận, có lẽ kịch bản xưa sẽ được lặp lại. Petroland có thể sẽ lại thoát lỗ, tuy nhiên, liệu các cổ đông PTL có vui với kiểu kinh doanh "xẻ thịt ăn dần" này và liệu công ty sẽ còn kéo dài tình trạng này đến khi nào?

Kế hoạch lãi 0 đồng

Một thông tin đáng chú ý, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, Petroland cho biết bên cạnh công tác thu hồi công nợ tại các dự án, công ty này sẽ tiến hành thoái vốn khỏi dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, khu đô thị mới dầu khí Vũng Tàu, vốn đầu tư tại công ty Mỹ Phú; chuyển nhượng vốn góp tại dự án khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp - Bình Dương và triển khai đầu tư một số dự án ngắn hạn.

Trên cơ sở đó, Petroland đưa ra kế hoạch đầu tư 200 tỷ đồng trong năm 2017, gấp đôi con số kế hoạch 100 tỷ đồng của năm 2016. Chỉ tiêu doanh thu năm 2017 là 217 tỷ đồng, cao hơn so với thực hiện năm trước chỉ đạt 162 tỷ đồng. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm năm 2016 khi "nổ" ra con số lợi nhuận kế hoạch 93 tỷ mà kết quả thực hiện chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, PTL đã đặt kế hoạch lãi ròng năm 2017 khiêm tốn ở mức 0 đồng.

Theo các cổ đông, khoản chuyển nhượng dự án Chung cư Thăng Long được dùng để trả nợ vay thì áp lực chi phí nợ vay đã giảm, cộng thêm việc Petroland có kế hoạch thoái vốn nhiều dự án, con số lợi nhuận 2017 ắt phải lớn hơn 0. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cho biết với kế hoạch trên, khả năng 2017 vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên rút kinh nghiệm con số kế hoạch không khả thi năm 2016, Petroland chỉ đưa ra mức lợi nhuận 0 đồng.

Trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu PTL hiện giao dịch quanh mốc 4.000 đồng/cp. Mức giá cao nhất được ghi nhận của PTL cũng là mức giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên trên sàn với giá 16.500 đồng/cp. PTL đã có thời gian giảm đáy xuống còn hơn 1.000 đồng/cp. Hiện mã cổ phiếu họ dầu khí này vẫn đang bị duy trì diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm tính đến ngày 30/6/2017.                                 

Công ty cổ phần đầu tư Hạ tầng Dầu khí Nha Trang (INT) được thành lập từ năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Các cổ đông tham gia góp vốn bao gồm: Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland), tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và CTCP Xây dựng Sông Hồng (Incomex). INT ra đời nhằm triển khai dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 171,90 ha tại xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa gồm sân golf 36 lỗ, các công trình phụ trợ, khu nhà ở thấp tầng; trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo và khu khách sạn resort quốc tế 5 sao.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.