Hãng dược Mỹ Pfizer và liên doanh là Hãng dược Đức BioNTech cho biết, yêu cầu của họ dựa trên 2 nghiên cứu của Israel cho thấy "tiêm một liều tăng cường nữa (liều thứ 4) làm tăng khả năng sinh miễn dịch và giảm tỉ lệ ca nhiễm được xác nhận và ca bệnh nặng".
“Cả hai nghiên cứu đều cho thấy bằng chứng về việc các vắc-xin ARN thông tin giúp gia tăng tính sinh miễn dịch, giảm tỉ lệ nhiễm và bệnh nặng”, theo thông cáo của liên doanh gồm 2 hãng của Mỹ và Đức.
Cụ thể, nghiên cứu đầu tiên của Israel được trích dẫn bởi Pfizer-BioNTech cho thấy, "tỉ lệ ca nhiễm được xác nhận thấp hơn 2 lần và tỉ lệ bệnh nặng thấp hơn 4 lần ở những người tiêm liều thứ 4 so với những người chỉ tiêm liều thứ 3”. Nghiên cứu này chỉ giới hạn ở những người từ 60 tuổi trở lên, được tiêm nhắc lại lần thứ hai, 4 tháng sau mũi tiêm nhắc lại đầu tiên.
Nghiên cứu thứ hai - thực hiện với các nhân viên y tế từ 18 tuổi trở lên ở Israel - cho thấy mức độ kháng thể ở những người được tiêm mũi vắc-xin thứ 4 cao đáng kể so với những người tiêm 3 mũi.
CEO Pfizer Albert Bourla cho rằng việc tiêm mũi thứ 4 là cần thiết. “Sự bảo vệ mà chúng ta có từ mũi thứ 3 đã đủ tốt để giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, nhưng không đủ tốt như thế trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm”, ông nói.
"Nghiên cứu không cho thấy lo ngại mới về an toàn ở những cá nhân được tiêm liều bổ sung thứ hai", Pfizer-BioNTech cho biết thêm.
Do phác đồ ban đầu của vắc-xin Pfizer-BioNTech là hai liều, nên lần tiêm bổ sung thứ hai còn được gọi là mũi tiêm thứ 4.
Israel và một số nước châu Âu đã phê duyệt mũi vắc-xin bổ sung thứ 2 để tiêm cho người già, người bị suy giảm miễn dịch, người có nguy cơ mắc bệnh nặng nhất. Còn tại Mỹ, một số người trưởng thành có hệ miễn dịch suy giảm có thể tiêm mũi 4 để bổ sung.
Pfizer và Moderna đều cho rằng việc tiêm bổ sung là cần thiết nhằm đối phó các biến thể mới.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Thanh Niên)