Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) diễn ra ngày 21/4/2018 đã thông qua kế hoạch hợp tác chiến lược với tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trong đó có nội dung sáp nhập ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào HDBank.
Tờ Dân Trí đưa tin, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HDBank cho biết: Dựa trên cơ sở hợp tác chiến lược giữa HDBank và tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, ngày 20/4 hai bên đã thống nhất thực hiện việc sáp nhập giữa ngân hàng PGBank và HDBank và đưa ra trình ĐHĐCĐ vào ngày 21/4.
Trước đó, PGBank từng là “con mồi” M&A của ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) song cũng trong sáng 21/4, tại đại hội cổ đông VietinBank, ngân hàng này cũng đã có tờ trình chấm dứt giao dịch sáp nhập PGBank.
Thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) giữa VietinBank và PGBank từng kéo dài hơn 2 năm, tốn nhiều giấy mực của báo giới song cuối cùng đã thất bại sau nhiều vòng đàm phán không đi đến thống nhất.
"Tuy nhiên, VietinBank và PGBank đều có những quan điểm, lập luận riêng để đảm bảo lợi ích cho ngân hàng và cổ đông của mình, dẫn tới hai ngân hàng không thống nhất được phương án sáp nhập cũng như các điều khoản liên quan đến giao dịch", tờ trình cho hay.
Ngày 16/6/2017, PGBank đã có công văn số 247/2017/CV-PGB gửi VietinBank chính thức đề xuất dừng thực hiện giao dịch sáp nhập.
Theo công văn do tập đoàn Petrolimex gửi tới bộ Công Thương, thời gian trước đây, hai bên đã thống nhất về nguyên tắc chủ trương sáp nhập PGBank vào VietinBank thông qua phương thức hóan đổi cổ phần, với tỷ lệ hoán đổi giữa PGBank và VietinBank là 1:0,9 (tức 1 cổ phiếu PGBank được hoán đổi lấy 0,9 cổ phiếu CTG).
Nhưng trong quá trình thực hiện sau đó, hai ngân hàng không thống nhất được các điều khoản thỏa thuận trong việc sáp nhập nên ngày 6/10/2017 đã chính thức cùng ký kết vào bản thỏa thuận dừng giao dịch sáp nhập này.
Thời điểm tháng 4/2017, ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT VietinBank trả lời phỏng vấn VnExpress lý giải việc sáp nhập PGBank vào ngân hàng này chưa hoàn thành do nhà chức trách yêu cầu VietinBank rà soát, cập nhật lại kết quả đánh giá cổ phiếu PGBank, đồng thời tính toán và đàm phán lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa 2 nhà băng này.
Theo đó, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1: 0,9 được đánh giá là có lợi hơn cho cổ đông PGBank.
Kết quả, thương vụ M&A này thất bại. Chuyển sang hợp tác với HDBank, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu khi sáp nhập đã thấp đi nhiều. HĐQT HDBank đã trình Đại Hội đồng cổ đông vào ngày 21/4 chấp thuận tỷ lệ hoán đổi là 1 : 0,621 (1 cổ phiếu PGBank hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank), tờ Sài Gòn Giải Phóng đưa tin.
HDBank đã trải qua hơn 27 năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, hiện là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam với 240 chi nhánh, hơn 13.000 nhân viên.
Năm 2013, HDBank sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn của công ty tài chính tiêu dùng SGVF (thuộc tập đoàn tài chính Societe Generale Cộng hòa Pháp).
Tính đến 31/12/2017, HDBank có tổng tài sản hợp nhất trên 191.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu trên 15.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn 168.800 tỷ đồng, tổng dư nợ 111.900 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ 1,1%.
Ngày 5/1/2018, gần 981 triệu cổ phiếu HDB của HDBank chính thức được giao dịch trên Sàn chứng khoán TP HCM.
Theo dự kiến, tổng tài sản cuối năm 2018 của HDBank là 242.865 tỷ đồng, tăng 28%. Tổng huy động 222.184 tỷ đồng, tăng 30%, nợ xấu dưới 2%.
Trong khi đó, PGBank tiền thân là ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập ngày 13/11/1993 với số vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng. Đến ngày 02/08/2012, PGBank tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.
Đến nay, PGBank có tổng số 81 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc với gần 1.500 nhân viên. Hội sở chính của Ngân hàng đặt tại Hà Nội.
Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 25.000 tỷ đồng.
Hiện, PGBank có 600 tỷ đồng nợ xấu, số dư nợ bán cho VAMC là 2.200 tỷ đồng. Ngân hàng đã trích lập 850 tỷ đồng, thu nợ VAMC khoảng 200 tỷ đồng. Tất cả khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, ước tính bán thu về tối thiểu 70% nợ VAMC, tương đương 1.400-1.500 tỷ đồng.
Đánh giá về nợ xấu của PGBank sau khi sáp nhập với HDBank, tờ Đầu tư Chứng khoán dẫn lời bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó chủ tịch HĐQT HDBank, cho rằng “không đáng ngại”.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, sau sáp nhập thêm PGBank, HDBank sẽ mở rộng hệ sinh thái từ hệ thống bán lẻ đến hệ thống siêu thị, cửa hàng xăng dầu, hàng không… Còn vấn đề nợ xấu của PGBank sẽ xử lý sau sáp nhập là không đáng ngại.
“PGBank không phải là ngân hàng lớn, nhưng được đánh giá là ngân hàng tương đối "sạch". Vì thế, nợ xấu PGBank không phải là vấn đề đáng quan tâm với HDBank sau sáp nhập PGBank", bà Thảo trả lời thắc mắc của cổ đông.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của PGBank đến 31/12/2017 gồm có 2 phần: Nợ xấu trên nội bảng có hơn 600 tỷ đồng và bán cho VAMC hơn 2.200 tỷ đồng.
Trong số nợ đã bán cho VAMC, PGBank đã trích lập được 880 tỷ đồng và xử lý được hơn 100 tỷ đồng. Như vậy, PGBank đã xử lý thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng.
Đồng thời, các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC cũng có khả năng xử lý được 80%, vì có tài sản đảm bảo, với khả năng thu hồi 1.400 tỷ đồng.
Còn với nợ nội bảng PGBank hơn 660 tỷ đồng cũng có tài sản đảm bảo đầy đủ, nên khả năng thu hồi lớn. Do đó, nợ xấu sau sáp nhập PGBank khả năng được xử lý rất lớn, không ảnh hưởng tới hoạt động của HDBank.
H.Y (tổng hợp)