Ngay sau khi PGS. TS Bùi Hiền công bố phần còn lại của đề xuất cải tiến chữ tiếng Việt, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với tác giả của đề xuất này. Trước câu hỏi của phóng viên về việc có nhiều ý kiến e ngại rằng lợi bất cập hại vì sẽ phải in lại toàn bộ sách báo, ấn phẩm, sách giáo khoa, hợp đồng kinh tế, giấy tờ tuỳ thân, vv… Ông Hiền nói: “Thực tế xưa nay ở nước ta cũng như trên thế giới không ai làm như vậy cả, bởi vì những người biết chữ Quốc ngữ vẫn hoàn toàn tự do, yên tâm sử dụng tất cả những thứ đó cho đến hết đời. Người ta chỉ in bằng chữ mới các tài liệu mới, báo chí, giấy tờ, công văn mới thôi. Khi Pháp quyết định dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho của nhà Nguyễn, người ta có in lại cả đâu, mà chỉ in một số tác phẩm văn thơ cần thiết để phổ cập nhanh chóng hơn. Ngay cả giấy khai sinh cho đến năm 1945 vân in cả 3 thứ chữ: chữ Pháp, chữ Nho rồi mới đến chữ Quốc ngữ”.
“Lại có ý kiến cho rằng nó sẽ phá hoại văn hoá dân tộc, động đế cả tâm linh và phạm vào cả quốc hồn quốc tuý Việt Nam. Đây quả là sự lo xa tưởng tượng quá mức. Ai cũng biết ở nước ta đã có mấy lần thay chữ viết (chứ không phải cải tiến cách đọc chữ viết như chúng tôi đang làm), không những không phá hoại văn hoá, không động đến tâm linh hay quốc hồn quốc tuý Việt Nam, mà chỉ là thay đổi chữ viết chứ không phải phá hoại hay làm nghèo tiếng nói của người Việt, hơn thế nữa còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc ra đời nền thơ mới, tiểu thuyết mới, báo chí truyền thông và báo chí cách mạng”, ông nói.
Ông Hiền cũng nêu rõ ý nghĩa của đề xuất này của mình: “Việc cải tiến chữ Quốc ngữ lần này cũng chính là để hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La Tinh đã trở thành chữ Quốc ngữ của Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư được nhanh chóng và thuận lợi hơn. Đặc biệt tạo điều kiện cho ngành thông tin điện tử, các máy tính, máy điện thoại thông minh tiếp tục cải tiến và tiết kiệm được đáng kể nguồn tài nguyên tin học”.
Cuối cùng có người cho rằng chữ cải tiến làm mất cả vẻ đẹp, mất tính thẩm mỹ của chữ Quốc ngữ. Ông Hiền thừa nhận thực tế: “Đúng là thoạt nhìn vào một đoạn văn bản bằng cách viết cải tiến những con chữ La Tinh với bố cục ngắn gọn hơn (không còn những chữ có 2-3 phụ âm đầu và cuối như trước nữa) nên thấy không đẹp và tức mắt. Quả thật vậy, nhưng đó chỉ là thói quen tạo nên các kiểu thẩm mỹ mà thôi. Song thói quen thẩm mỹ cũng thường thay đổi theo hướng thuận lợi và có lợi ích thiết thực”.
“Trước đây chúng ta cũng đã nhiều lần thay đổi, lúc đầu cũng vấp phải những phản đối nhưng sau khi nhận ra cái lợi và cái đẹp của lối viết chữ quốc ngữ, nên họ cũng đã từ bỏ cách viết chữ Nho theo cột, mà viết theo dòng như chữ Quốc ngữ đó thôi. Với thời gian thì thói quen mới sẽ được hình thành và sẽ lại có cách tạo dáng thẩm mỹ mới cho lối viết cải tiến ngắn gọn này”, ông nói.