PGS. TS hiến kế bán khăn cho những cô gái 'kém duyên' mùa lễ hội

PGS. TS hiến kế bán khăn cho những cô gái 'kém duyên' mùa lễ hội

Thứ 6, 03/02/2017 11:30

Mùa lễ hội mới chỉ diễn ra mấy ngày nhưng hàng loạt hình ảnh xấu xí đã xuất hiện. Nào là trèo tường, dẫm hoa, chen lấn xin lộc Thánh ... Nhưng đó có phải là "bộ mặt" của mùa lễ hội năm nay?

Mùa lễ hội năm 2017 chỉ mới bắt đầu có mấy ngày nhưng hàng loạt hình ảnh xấu xí đã xuất hiện tràn ngập trên các diễn đàn báo chí. Từ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), hội Yên Tử (Quảng Ninh) … đâu đâu cũng là biển người chen chúc nhau xin lộc Thánh, xả rác bừa bãi và có nhiều hành vi phản cảm khác.

Sau nhiều chế tài được ban hành cùng sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, tình hình năm nay có vẻ … vẫn như năm ngoái. Vậy phải chăng chế tài vẫn chưa thật sự hiệu quả? Nhằm giúp độc giả có cái nhìn thấu đáo và toàn diện hơn về vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí & Tuyên truyền.

Thưa ông, ông nhận định thế nào về văn hóa đi lễ hội của người dân ở mùa lễ hội năm nay?

Tôi thấy văn hóa đi lễ hội của người dân hiện nay đã có nhiều chuyển biến so với những năm trước. Tôi nhớ cách đây khoảng 5-7 năm, người nào đi chùa cũng đốt một nắm hương khiến cho không khí bức bối, ngột ngạt. Lúc đó họ quan niệm đốt nhang nhiều mới có tài, có lộc. Thế nhưng sau một thời gian tuyên truyền, giáo dục, người dân đã ý thức được vấn đề. Năm nay tôi đi chùa cả trước và sau Tết nhưng hiện tượng đốt nhang đã giảm rất nhiều.

Thế nhưng nhiều vấn đề khác như: ăn mặc hở hang, rải tiền lẻ, chen lấn cướp lộc … vẫn còn diễn ra. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ điều quan trọng không chỉ nằm ở việc tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân. Chúng ta cần có những chuẩn mực cụ thể trong từng không gian chùa chiền, lễ hội. Hiện nay ở một số đình, chùa người ta đã quy định không được thắp nhiều nhang, không được đi giày dép, không được mặc váy ngắn vào chùa … Sau một thời gian, việc đó tự khắc sẽ đi vào nề nếp. Còn nếu chúng ta đã có quy định mà du khách không chấp hành thì chúng ta sẽ có chế tài như nhắc nhở hoặc xử lý theo cách nào đó. Bởi vào mùa lễ hội, mỗi di tích đều có lực lượng công an làm nhiệm vụ.

Văn hoá - PGS. TS hiến kế bán khăn cho những cô gái 'kém duyên' mùa lễ hội

 Hình ảnh chen chúc thường thấy vào mùa lễ hội đầu năm

Nhưng đa phần những hành vi xấu xí trên đều rất khó xử lý theo chế tài cụ thể, chẳng hạn như chuyện ăn mặc. Vậy theo ông, chúng ta phải làm thế nào?

Tôi thấy chuyện ăn mặc hở hang chốn tôn nghiêm bao năm qua chúng ta đều không xử lý được. Bởi ngoài những người thiếu ý thức ra, nó còn liên quan tới vấn đề đặc thù văn hóa (như người nước ngoài ăn mặc mát mẻ chẳng hạn). Nhưng tôi thấy một số nước như Lào, Campuchia … xử lý vấn đề này rất hay. Đầu tiên họ phải có quy định không được mặc váy ngắn, quần cộc … vào những điểm di tích tâm linh. Tuy nhiên với những người, do đặc thù tính cách hoặc đặc thù văn hóa mà không tuân thủ thì những người này sẽ được bán cho một chiếc khăn (với giá rẻ). Người ta sẽ dùng nó để quấn vào cổ hoặc quấn quanh người như chiếc váy và che đi những chỗ nhạy cảm. Làm thế vừa giúp du khách khắc phục được những sơ suất trong ăn mặc, vừa giúp đơn vị tổ chức lễ hội bán được sản phẩm. Tất cả đều rất hài hòa.

Giải pháp này đã được áp dụng ở Việt Nam chưa, thưa ông? Và chúng ta thấy gì sau cách xử lý linh hoạt của một số nước bạn?

Tôi cho rằng không nên quá tập trung vào chế tài. Điều quan trọng không kém là tập trung phát triển dịch vụ bổ trợ nhằm giúp nâng cao văn hóa của du khách tại những chốn tâm linh tôn nghiêm. Không chỉ chuyện ăn mặc mà còn nhiều vấn đề khác, chúng ta phải sáng tạo, linh hoạt để giải quyết mọi vấn đề. Chẳng hạn như chuyện bán khăn cho du khách ăn mặc hở hang ở Lào, Campuchia. Nếu áp dụng ở Việt Nam, chúng ta có thể bán những bộ quần áo tu Phật. Trên đó, chúng ta sẽ quảng bá thương hiệu và hình ảnh di tích để du khách vừa có giải pháp “chống cháy’ trong vấn đề ăn mặc, vừa có đồ kỉ niệm mang về nhà. Tôi thấy ở nước ta chưa nơi nào thực hiện cả. Tôi cũng đã đề cập vấn đề này với Tổng cục du lịch và bộ Văn hóa nhưng ý kiến chưa đưa được vào thực thế.

Văn hoá - PGS. TS hiến kế bán khăn cho những cô gái 'kém duyên' mùa lễ hội (Hình 2).

 PGS. TS Phạm Ngọc Trung

Nhưng rõ ràng vẫn có nhiều vấn đề cần có chế tài mạnh hơn là xử lý linh hoạt như: chuyện cướp lộc, xin lộc … Ông nhận sao về điều này?

Tôi tin trong sâu thẳm tinh thần người Việt, khi đi lễ hội, người dân bao giờ cũng muốn có được chút gì đó gọi là lộc thánh thần. Đây là việc làm đã diễn ra hàng trăm, hàng nghìn năm chứ không phải bây giờ mới có. Với những người sẵn mang tâm thức “một chút lộc Thánh còn hơn một ghánh lộc trần” như vậy thì chúng ta ngăn cản họ thế nào? Đó là chưa kể tới tâm lý của người tham gia lễ hội khi vừa muốn may mắn, vừa có tư tưởng đầu xuân được tự do, lại có tư tưởng phấn khích, ghanh đua nhau. Tôi e chế tài cũng khó áp dụng trong trường hợp này.

Vậy thì chúng ta phải làm thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ chúng ta cần thay đổi nhận thức người dân thông qua việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, người dân biết văn hóa tham gia lễ hội thời hiện đại đã khác trước rất nhiều. Nghi lễ tâm linh cần được thực hiện theo kiểu văn minh, lịch sự. Song song với đó đơn vị tổ chức lễ hội phải có những hành động cụ thể hơn là trông chờ vào việc tự ý thức của người dân.

Thời phong kiến, lễ hội nào vi phạm những quy định được đề ra trước đó thì sang năm lễ hội đó sẽ không được tổ chức. Chính điều này buộc những đơn vị tổ chức lễ hội phải tìm biện pháp để ngăn chặn những điều không hay xảy ra. Tôi nghĩ chúng ta nên học tập điều này.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thiệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.