“Với tư cách là một nhà quản lý, đồng thời là người sáng tác văn học nghệ thuật, khi nghe được thông tin như vậy, tôi cảm thấy rất buồn. Vì, một cơ quan như cục NTBD mà lại tư duy theo lối rất cũ, thậm chí là không đúng. Cách đây vài tháng, tôi còn nhớ cục NTBD cấm lưu hành 5 bài hát, sự việc này đã phải đón nhận những phản ứng gay gắt từ dư luận. Việc cấm này, tôi cứ ngỡ là tai nạn nghề nghiệp của cục NTBD và có thể châm chước.
Nhưng lần này, tôi cho rằng, họ vừa là lạm quyền, vừa không am hiểu về văn học, nghệ thuật, dù ở cục đó, có vài ba người cũng làm công tác quản lý và cũng có chút năng khiếu sáng tác. Đến bây giờ, trong hoạt động văn hóa, tôi muốn nói đến từ “văn hóa” được viết hoa, mà vẫn còn quá nặng về tư duy xin-cho, cấm-không cấm và hành chính việc này đến mức khôi hài.
Sáng tạo văn học nghệ thuật là nhu cầu, là năng khiếu, là tài năng, là khả năng thẩm mỹ của mỗi con người, cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, ngay cả những người trình độ học vấn không cao. Mỗi tác phẩm dù lớn, nhỏ, hay và không hay, tốt và không tốt, đỉnh cao hay bình thường sẽ tồn tại bằng giá trị thật của nó. Nó được xã hội đón nhận, ngợi ca, trân trọng, lưu truyền hoặc bị dửng dưng, quên lãng, thậm chí bị chê bai, “ném đá”, lên án. Điều này diễn ra theo quy luật sáng tạo các giá trị tinh thần.
Nếu nó sai, vi phạm pháp luật thì đã có các bộ luật hoặc văn bản dưới luật điều chỉnh, xử lý. Không ai lại đi làm cái việc cấp phép hay cấm đoán từng trường hợp đơn lẻ, bình thường, không vi phạm pháp luật. Vả chăng, chúng ta có đủ lực lượng để đi làm cái việc buồn cười đó không.
Trong văn học, nghệ thuật, có nhiều loại hình, nào là văn học, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu, múa, nhiếp ảnh, điêu khắc, văn nghệ dân gian...nhiều nhiều lắm, không đếm xuể. Công dân chỉ không làm những điều pháp luật cấm, hay nói cách khác, họ làm những gì mà pháp luật không cấm.
Trong những sự việc như thế này, tôi nghĩ các đồng chí lãnh đạo bộ VH, TT & DL, cục NTBD hay các đơn vị quản lý văn hóa của Đảng và Nhà nước phải nghiêm túc rút ra những bài học sâu sắc, để đời, để không lặp lại cái bị coi là trò cười của cả thiên hạ. Trong nước, người dân còn bức xúc, tôi không hiểu kiều bào ở nước ngoài còn bức xúc đến độ nào. Tôi nghĩ rằng đây là một bài học rất đau xót cho cục NTBD”.
Xem thêm:
GS Nguyễn Minh Thuyết: 'Cục NTBD phản ứng thái quá'
'Tiến quân ca' được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép rộng rãi?
Thanh Lam