Tôi tìm đến nhà Phó Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn, một căn nhà nhỏ với rất nhiều những cuốn sách về lịch sử Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh... đủ thấy tình yêu say của người thầy ấy với lịch sử như thế nào.
PGS. Lê Mậu Hãn là một trong những người đặc biệt tâm huyết với nghiên cứu về lịch sử Đảng cũng như Bác Hồ kính yêu. Điều đó xuất phát từ truyền thống gia đình cũng như đam mê của ông đối với lịch sử Đảng, với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Thầy chia sẻ, từ năm 1959, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy là một trong số 17 sinh viên khoá 1 của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội được giữ lại để bổ sung cho đội ngũ cán bộ giảng dạy khoa học Lịch sử. Cùng năm ấy, thầy được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Lịch sử và đảm nhiệm một mảng chuyên môn quan trọng là làm sáng tỏ những vấn đề có tính chiến lược trong Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các cương lĩnh chính trị, trong đường lối quân sự, ngoại giao và trong vấn đề xây dựng Đảng.
Thầy Lê Mậu Hãn chia sẻ, việc nghiên cứu về lịch sử Đảng cũng như Bác Hồ là không hề dễ dàng. Mỗi sự kiện, dấu mốc thời gian của lịch sử cần độ chính xác tuyệt đối và cũng cần tôn trọng sự thật tuyệt đối. Do đó, mỗi một lần đặt bút viết về lịch sử, thầy thường mày mò và tìm đọc rất nhiều tài liệu. Có khi một mốc thời gian nhưng phải tìm qua nhiều sách vở, tài liệu trong nhiều ngày mới có thể có được câu trả lời chính xác.
Cũng là một đảng viên gương mẫu với gần 60 năm tuổi Đảng, PGS. Lê Mậu Hãn luôn là tấm gương với gia đình, người đồng nghiệp mẫu mực và được sự tin tưởng của những người xung quanh.
Lịch sử có nhiều giai đoạn, nhưng với tấm lòng yêu quê hương tha thiết cùng truyền thống gia đình, PGS. Lê Mậu Hãn đã quyết định chọn nghiên cứu sâu về lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Dù 87 năm trôi qua với nhiều thăng trầm nhưng tôi nghĩ rằng, đường lối của Đảng cộng sản vẫn luôn sáng suốt, đúng đắn, được vận dụng linh hoạt qua từng giai đoạn lịch sử.
Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930 có vai trò đặc biệt quan trọng với tiến trình phát triển của lịch sử nước nhà. Đặc biệt là nội dung Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng vô cùng đúng đắn, dẫn lối chỉ đường đưa đất nước đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong những dấu son lịch sử vĩ đại từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến chiến thắng Điện Biên Phủ, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và gần đây là kết quả của 30 năm đổi mới (1986-2016), tất cả đều có dấu ấn lãnh đạo đặc biệt quan trọng của Đảng ta”, PGS. Lê Mậu Hãn hào sảng khi điểm qua những dấu mốc thắng lợi vĩ đại của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
“Nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nhớ mãi một tư tưởng, những chiến thắng của chúng ta chính là bằng ý chí dân tộc và khát vọng tự do. Đó cũng là điều khiến tôi say mê nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”, PGS. Lê Mậu Hãn trải lòng.
Một trong những đầu sách mà PGS. Lê Mậu Hãn tâm đắc nhất với vai trò chủ biên chính là sách Lịch sử Chính phủ tập 1. Đây là lần đầu tiên có một tài liệu về lịch sử của Chính phủ được trau chuốt và chọn lọc kỹ lưỡng.
Có lẽ, bất cứ ai đã từng được học thầy Lê Mậu Hãn sẽ đều cảm nhận được niềm đam mê với lịch sử trong con người gốc Triệu Phong, Quảng Trị ấy. Ở thầy, sự cương trực của người miền Trung hòa quyện trong cái lịch lãm của người Tràng An với hơn 50 năm sinh sống ở Hà Nội. Những điều thầy nói, những nghiên cứu mà thầy đã và vẫn đang tâm huyết chính là tài sản vô giá với mọi thế hệ.
“Qua thời gian học tập ở trường đại học, tôi luôn cố gắng học để tiếp thu các ý kiến. Từ thực tế quê hương bị chiếm đóng, tôi đã luôn ý thức cần phải học tập để sau này phục vụ quê hương. Việc học tuy khó khăn, đời sống cũng thấp nhưng cứ cố gắng, lắng nghe các thầy, chăm chỉ học các bạn.
Khi tìm hiểu các tư liệu, tôi vẫn tiếp tục cố gắng nâng cao nhận thức của mình để làm nền tảng cho những nghiên cứu sau này. Tôi luôn ý thức học để phục vụ quê hương, tập nghiên cứu và nghiên cứu để trưởng thành. Càng được ghi nhận, tôi càng ý thức được việc cần phải cố gắng học nữa, học mãi để phục vụ nhân dân, cố gắng học và nghiên cứu nhiều hơn. Càng được ghi nhận, tôi càng có động lực để tiếp tục nghiên cứu về lịch sử Đảng, về tư tưởng Hồ Chí Minh”, PGS. Lê Mậu Hãn nói.
Tạm biệt thầy ra về, tôi cứ nhớ mãi dáng người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn, ánh mắt luôn sáng lên mỗi khi có ai đó muốn tìm hiểu về lịch sử Đảng, về tư tưởng Hồ Chí Minh. Một đời thầy đã dành tâm huyết cho lịch sử nước nhà và ngôi nhà nhỏ nhắn trên phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chứa đầy những cuốn sách cũ và mới, dày, mỏng nhiều loại càng làm những người trẻ như tôi thấy yêu kính thầy và trân trọng lịch sử hơn!
Dương Thu