Những ngày gần đây, PGS. TS. Bùi Hiền và ca sĩ Chi Pu đã vượt qua rất nhiều tên tuổi nổi tiếng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo bạn đọc. Và dù muốn dù không thì bạn vẫn phải nhìn thấy hình ảnh của họ “phủ sóng” trên các phương tiện truyền thông.
PGS. TS. Bùi Hiền, sau khi gây sốc với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt, vẫn khẳng định với báo chí rằng đây là “một công trình nghiên cứu đang thực hiện chứ không phải đề xuất tùy hứng” và kiên quyết giữ ý định nghiên cứu của mình.
Trong khi đó Chi Pu vừa chính thức trình làng sản phẩm âm nhạc thứ 3 của mình mang tên "Em sai rồi anh xin lỗi em đi", bất chấp việc bị “ném đá” tả tơi khi phát hành hai ca khúc "Từ hôm nay" và "Cho ta gần hơn" vào tháng trước.
Mỗi khi nhìn nhận và đánh giá sự việc nào đó, tôi luôn cố gắng soi chiếu chúng dưới các góc nhìn khác nhau để đi đến một kết luận khách quan nhất. Chứng kiến cộng đồng mạng “bủa vây” tác giả của bảng chữ cái tiếng Việt (được cho là) cải tiến và cô hotgirl lấn sân sang địa hạt ca hát cách đây không lâu, tôi nhận ra sự phản đối quyết liệt của cư dân mạng chưa phát huy hiệu quả tối đa. Dường như đến giờ này, đối tượng bị ném đá vẫn không “biết mình là ai”.
Về giọng ca đi kèm các sản phẩm âm nhạc của Chi Pu, không cần bàn cãi gì thêm, đó thực sự là thảm họa của âm nhạc, hiếm khi thấy một bài hát có phần lời nhảm nhí được thể hiện bởi giọng hát chênh phô, dở đều từ đầu đến cuối như thế.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc các nghệ sĩ gạo cội thẳng thắn khuyên Chi Pu không nên đi hát. Điều này vừa bảo vệ đôi tai của khán giả - những người mua vé vào cửa để thưởng thức phần trình diễn khác mà phải bất đắc dĩ chờ qua phần thể hiện của Chi Pu, vừa giúp cô nàng bảo vệ được hình ảnh và níu giữ được tình cảm từ phía người hâm mộ.
Dĩ nhiên, chẳng ai ngăn cấm cô nàng hát cho các fan của mình nghe nhưng nếu vậy, đừng bao giờ tự nhận mình là “ca sĩ” hay “người của công chúng”.
Còn với PGS. TS. Bùi Hiền, lúc này đây đã có không ít ý kiến bảo vệ ý tưởng của ông, khẳng định người Việt ngại tiếp thu những cái mới và thích dập vùi những phát kiến sáng tạo. Cá nhân tôi cho rằng, đề xuất của ông không có gì là mới, là sáng tạo, nếu không muốn nói là thụt lùi so với những người đi trước.
Đề xuất bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái hiện hành, đồng thời bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z cho thấy ông đã quá phí phạm thời gian và tâm huyết của mình hoặc mắc phải sai lầm lớn nhất khi nghiên cứu: Bỏ qua các vấn đề về phát âm. Trong lớp học luyện giọng, chữa nói ngọng, nói lắp, chị tôi thường yêu cầu học viên phát âm chữ “Đ” để xem có ai gặp tình trạng nuốt lưỡi hay không.
Dù đã cố gắng loại bỏ yếu tố quen mắt khi đọc văn bản viết theo bảng chữ cái mới, tôi vẫn không thể phát âm theo đúng hướng dẫn của PGS. TS. Bùi Hiền. Mỗi một phụ âm ghép có một vai trò và “chỗ đứng” riêng – nguyên tắc này sinh ra không phải để làm khó người học tiếng Việt mà là để đảm bảo việc thể hiện một đơn vị từ vựng có nghĩa. Ngoài ra, tôi chưa thấy người bạn ngoại quốc nào phát âm chữ “W” giống như phụ âm “Th” (đọc là thờ) trong tiếng Việt cả.
Còn một điểm tôi băn khoăn và muốn hỏi riêng, là tại sao đảo lộn chữ viết theo quy chuẩn riêng nhưng cuối cùng thì tên tác giả vẫn được giữ nguyên, không hề thay đổi?
Tóm lại, ranh giới giữa sáng tạo và thảm họa đôi khi rất mong manh, mong quý độc giả luôn tỉnh táo, đừng nhầm lẫn rồi vô tình dọn đường cho những trò lố…
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả